Ứng phó bị truyền tin sai sự thật

Khi bị lan truyền tin tức bịa đặt, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử phải làm gì để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo hộ”. Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng) cũng quy định: Pháp luật nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, khi phát hiện trang thông tin điện tử bất kỳ đưa thông tin xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín mình, thì cá nhân bị đưa tin cần kịp thời gửi văn bản yêu cầu tháo gỡ tin bài. Trường hợp trang thông tin điện tử đó không hợp tác, không đồng ý tháo gỡ tin bài, cá nhân bị xâm phạm cần ghi nhận hành vi vi phạm thông qua phương pháp yêu cầu thừa phát lại tiến hành lập vi bằng đối với tin bài vi phạm, đồng thời thu thập thêm hành vi vi phạm của trang thông tin điện tử này.

Theo quy định tại Khoản 20 Điều 3 Luật Báo chí 2016 và Khoản 2 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, chức năng của trang thông tin điện tử là cung cấp thông tin thông qua việc đăng tin bài từ các nguồn thông tin có sẵn. Điều này đồng nghĩa với việc, trang thông tin điện tử tổng hợp, không được tự sản xuất tin bài. Do vậy, trường hợp tin bài của cá nhân bị đưa tin có dấu hiệu của việc tự sản xuất tin bài, cá nhân, thì có thể viện dẫn thêm hành vi này vào các hành vi vi phạm của trang thông tin điện tử tổng hợp đưa tin để tăng thêm sức nặng cho yêu cầu tháo gỡ tin bài. Nếu không thể thương lượng, đạt được thỏa thuận, bên bị vi phạm hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành can thiệp để bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Theo Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) đơn vị sở hữu trang thông tin điện tử tổng hợp có thể sẽ bị phạt số tiền từ 20 - 30 triệu đồng, ngoài ra, đơn vị sở hữu trang thông tin điện tử tổng hợp còn có thể bị tịch thu phương tiên vi phạm hoặc tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 - 3 tháng. Bên bị vi phạm có thể khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh bởi hành vi đưa tin bài xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của bên vi phạm.

Tin cùng chuyên mục