MINDEF cho biết 2 kế hoạch kể trên sẽ trưng dụng khoảng 300 nhân tài làm việc trong các lĩnh vực chỉ huy, kiểm soát, thông tin và phòng vệ an ninh mạng. Để triển khai 2 kế hoạch trên, MINDEF cũng chính thức công bố thành lập Học viện An ninh mạng (CDS) trực thuộc cơ quan này, chuyên làm công tác nghiên cứu và đào tạo đội ngũ nhân tài an ninh mạng cho lực lượng vũ trang Singapore. Dự kiến, CDS mỗi năm sẽ đào tạo và huấn luyện khoảng 200 học viên.
Học viện An ninh mạng là một phần trong nỗ lực tự thân của Singapore nhằm tăng cường hệ thống sinh thái an ninh mạng để phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước. Kinh tế số là một lĩnh vực phát triển rất mạnh trong các nước ASEAN. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nền kinh tế số của ASEAN có thể tăng trưởng lên mức 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó thương mại điện tử có thể đạt giá trị 88 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn không gian mạng cho các hoạt động kinh tế nói trên ở các nước ASEAN hiện còn tương đối nghèo nàn khiến cho nền kinh tế số này phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn. Cho nên, Singapore đã có một bước chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Tại buổi khai mạc Tuần lễ an ninh mạng quốc tế 2017, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền cho biết, Singapore đã hợp tác với các đối tác để mở Học viện An ninh mạng nhằm đào tạo nhân lực để có thể ứng phó hiệu quả với các cuộc tấn công mạng xảy ra trong tương lai. Những nỗ lực này cho thấy hợp tác về an ninh mạng sẽ là một trong những nội dung ưu tiên của Singapore trong những năm tới đây. Bên cạnh đó, Cơ quan an ninh mạng của nước này cũng đã tuyên bố sẽ dành mức ngân sách khoảng 1,5 triệu đô la Singapore để hỗ trợ đào tạo cán bộ an ninh mạng cho các nước ASEAN trong những năm tới.
Tăng cường đào tạo chuyên gia và cải thiện cơ sở hạ tầng an ninh mạng đang là một cuộc chạy đua ráo riết trên toàn cầu. Tại khu vực châu Á, ngoài Singapore, việc tạo ra nền tảng không gian mạng an toàn được ưu tiên để phục vụ cho nền kinh tế số và an ninh trong khu vực đang được chuẩn bị chu đáo.
Theo báo Mainichi, Nhật Bản dự kiến ban hành “Đại cương kế hoạch phòng vệ mới” dự kiến vào cuối năm nay. Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần thiết phải bổ sung thêm các quy định về đảm bảo an ninh không gian mạng song hành cùng đảm bảo an ninh trong các không gian truyền thống từ trước đến nay, đồng thời phải nâng cao năng lực đối phó của lực lượng phòng vệ nước này trước các nguy cơ hoàn toàn mới này. Cuối tháng 12-2018, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra 3 giải pháp chính gồm bổ sung các quy định về quyền phòng thủ không gian mạng của lực lượng phòng vệ, chủ động phối hợp với các nước trong lĩnh vực an ninh mạng và nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, Tokyo cũng đề cập đến khả năng chủ động tiến hành các vụ tấn công mạng như một phần trong chiến lược phòng thủ.