Ước tính hiện có trên 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường

Gần 2 triệu người bị đái tháo đường chưa phát hiện bệnh là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại hội thảo “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức sáng 7-4 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm 2016 với chủ đề “Phòng chống bệnh đái tháo đường”.
Ước tính hiện có trên 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường

(SGGPO).- Gần 2 triệu người bị đái tháo đường chưa phát hiện bệnh là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại hội thảo “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức sáng 7-4 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm 2016 với chủ đề “Phòng chống bệnh đái tháo đường”.

Ước tính hiện có trên 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường ảnh 1



GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham gia việc đo đường huyết

Các nghiên cứu cho thấy, trong vòng hơn 10 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần và ước tính Việt Nam hiện có trên 3 triệu người mắc căn bệnh này. Đáng báo động có trên 60% số người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng chưa phát hiện bệnh và khi được phát hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân. Cùng với đó, gánh nặng tử vong và tàn phế do bệnh ĐTĐ gây ra là rất lớn khi ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, bệnh ĐTĐ có nguyên nhân chính là do các thói quen, hành vi sinh hoạt không hợp lý và khoa học gây ra như: hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lười vận động và dinh dưỡng không lý. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bịa có tới 25% số người uống ở mức nguy hại và khoảng gần 30% dân số thiếu hoạt động thể lực, thể dục thể thao. “Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh chuyển hóa trong cơ thể như: thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu dẫn tới nguy cơ mắc ĐTĐ...”- GS.TS Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.


Khuyến cáo phòng bệnh ĐTĐ với cộng đồng

1- Mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút/ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia.

2- Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ.

3- Người mắc bệnh ĐTĐ vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện bệnh sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

     



TS Lokky Wai- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Ngày Sức khỏe thế giới (7-4) năm 2016 có chủ đề “Phòng chống bệnh ĐTD” nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng chống ĐTĐ hướng tới Mục tiêu tiêu phát triển bền vững.

Thống kê của WHO, hiện nay có khoảng 350 triệu người trên toàn thế giới mắc ĐTD và có khả năng tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu trường hợp tử vong mỗi năm và hơn 80% số tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ông Lokky Wai cũng chỉ rõ, công tác dự phòng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống và loại trừ các yếu tố nguy cơ, cũng như giúp phát hiện sớm bệnh ĐTĐ. Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy nếu loại trừ được các thói quen có hại và hành vi nguy cơ thì sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, ĐTĐ và trên 40% các bệnh ung thư. Mặc khác ĐTĐ là bệnh mãn tính, thường diễn biến âm thầm nên nếu không được phát hiện sớm để kịp thời điều trị thì bệnh sẽ tiến triển nặng, biến chứng trầm trọng dẫn tới việc điều trị bệnh sẽ rất tốn kém và khó hiệu quả.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục