Ưu đãi chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải

Ngày 26-11, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện. 
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM muốn đạt được mục tiêu thành phố thông minh thì phải xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại. Theo đó, đến năm 2020, phải đạt mục tiêu giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 20%. 
Ưu tiên công nghệ xử lý rác hiện đại

Với mục tiêu giảm lượng rác thải chôn lấp còn 20%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế lên 80% vào năm 2020, TPHCM đã mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp có công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Toàn Thắng, cho biết trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận hơn 8.700 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 tấn rác thải công nghiệp, 300 tấn chất thải nguy hại và 22 tấn rác thải y tế. Việc thu gom và xử lý rác công nghiệp, y tế (ngoại trừ các cơ sở y tế công lập) đang được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa. Riêng rác thải sinh hoạt (hơn 6.000 tấn/ngày) đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp với đơn giá 360.000 đồng - 480.000 đồng/tấn; lượng rác còn lại được xử lý bằng công nghiệp tái chế thành phân compost và đốt với đơn giá đơn giá 440.000 - 460.000đồng/tấn. Theo tính toán của Sở TN-MT, tính đến năm 2020, lượng rác thải thành phố ở mức 12.740 tấn/ngày, tăng gần 5.000 tấn rác/ngày. Như vậy, thành phố sẽ cần thêm 2 - 3 nhà máy xử lý rác. 
Ưu đãi chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải ảnh 1 Người dân tham quan dây chuyền chuyển hóa chất thải rắn thành khí để phát điện tại bãi rác Gò Cát     
Ảnh: CAO THĂNG
 PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường TP, cho biết việc xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp sẽ phát sinh nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường như ô nhiễm nguồn đất, nước, khí. Thậm chí, phát sinh ô nhiễm thứ cấp khi phải tái xử lý lại rác thải đã chôn lấp khi đóng cửa bãi rác. Vì vậy, việc chuyển đổi công nghệ xử lý thải đối với TPHCM rất quan trọng. 
TPHCM chủ trương tập trung kêu gọi và ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại như công nghệ khí hóa điện rác, đốt rác bằng công nghệ plasma kết hợp phát điện sạch... Các nhà đầu tư đang xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp sẽ phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. Riêng với những nhà đầu tư mới, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại, giá thành xử lý cạnh tranh. Ngoài ra, TPHCM cũng kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xử lý bãi rác chôn lấp đã đóng cửa như bãi chôn lấp rác Phước Hiệp (tổng lượng rác là 3,5 triệu tấn), bãi chôn lấp Phước Hiệp 1A (gần 1 triệu tấn), bãi chôn lấp số 2 (4,4 triệu tấn), bãi chôn lấp Gò Cát (5,6 triệu tấn) và bãi chôn lấp Đông Thạnh (10 triệu tấn). Công khai đấu thầu, minh bạch chính sách ưu đã TPHCM đã quy hoạch 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh và Tây Bắc, huyện Củ Chi. Trong thời gian tới, để tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, UBND TP đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được giảm 70% tiền thuê đất hoặc miễn tiền thuê đất 11 năm. Giá mua điện sạch từ đốt rác là 2.114 đồng/kWk, giá điện sạch từ những dự án thu khí phát điện từ các bãi chôn lấp sẽ là 1.532 đồng/kWh. Các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư sẽ được thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay. Doanh nghiệp cũng được miễn thuế cho tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu phục vụ xây dựng và thực hiện dự án. Còn thuế doanh nghiệp được ưu đãi theo quy định.  Nhìn nhận về chính sách ưu đãi của thành phố, nhiều nhà đầu tư tham dự hội nghị cho rằng, chính sách sát thực tế và khả thi. Mặt khác, định hướng đầu tư công nghệ xử lý rác thành điện mà thành phố đưa ra không những giúp xử lý triệt để lượng rác thải, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp mà còn góp phần thực hiện mục tiêu tăng sản lượng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giúp nhà đầu tư tăng thêm lợi nhuận khi thực hiện đầu tư dự án. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Huy Đông, lưu ý TPHCM cần quy định thêm sau đấu thầu, nhà đầu tư có thể chạy thử 6 tháng với công suất đúng như cam kết. Nếu đạt yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mới ký hợp đồng xử lý rác thải dài hạn. Trường hợp không đạt, phải nhường lại cơ hội cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn.  Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các báo cáo công nghệ đầu tư mà doanh nghiệp mang đến hội nghị đã chứng minh được rác thải phát sinh của thành phố hoàn toàn có thể được xử lý tốt hơn bằng những công nghệ hiện đại của thế giới và Việt Nam. Cách làm này còn giúp thay đổi tập quán cũ, là nhà nước đầu tư sang nhà nước chỉ trả chi phí dịch vụ đầu tư, còn lại xã hội sẽ đầu tư. Như vậy, giúp tăng tốc độ huy động vốn đầu tư cao hơn gấp 5, 10 lần so với việc nhà nước phải bỏ vốn đầu tư. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các cơ quan chức năng nỗ lực để cuối quý 1-2018 tổ chức thông tin về hoạt động đấu thầu công khai xử lý rác. Ngoài ra, với 5 nhà đầu tư đang xử lý rác, thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu và sớm ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động xử lý rác thải hiện tại.  Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM hiện đã tiếp nhận đề xuất đầu tư xử lý rác thải của 40 doanh nghiệp - nhiều nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn. UBND TPHCM sẽ sớm công bố quy trình, tiêu chuẩn xét chọn, chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư xử lý rác thải.

Tin cùng chuyên mục