Ưu tiên chống dịch, kỳ họp Quốc hội rút ngắn 3 ngày

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc vào ngày 28-7, sớm 3 ngày so với kế hoạch.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nay, các cơ quan, địa phương phải chỉ đạo phòng chống dịch. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, các ĐBQH, chiều 24-7, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh lịch họp: làm việc ngày cả chủ nhật 25-7; giảm 1 ngày thảo luận tại hội trường của một số nội dung về tài chính, ngân sách, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia do đã được thảo luận rất chi tiết, nghiêm túc sâu sắc tại các phiên thảo luận tổ; tận dụng 1 ngày dành cho nội dung về công tác nhân sự và kéo dài một số phiên họp của Quốc hội sau 11 giờ 30 hoặc sau 17 giờ.  

Như vậy, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc vào ngày 28-7, sớm 3 ngày so với kế hoạch.

Cũng trong chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Tờ trình nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ.

Về pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…) và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Ưu tiên chống dịch, kỳ họp Quốc hội rút ngắn 3 ngày ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: QUANG PHÚC

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

Chính phủ được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ đồng cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch.

Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp; khẩn trương rà soát các luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, trình Quốc hội.

Nghị quyết này được thực hiện đến ngày 31-12-2022. Trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ. Việc Quốc hội quyết nghị về vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của kỳ họp thứ nhất này, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước.

Đối với việc mua sắm vật tư y tế với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa các tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Các nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch Covid-19 vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết.

Tin cùng chuyên mục