Trưa ngày 16-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều hạn chế của các DNNN, trong đó có tệ tham nhũng, "sân trước, sân sau". Thủ tướng mong muốn khối DNNN xác định rõ vị thế để vươn lên. DNNN phải thấy được vị trí, vai trò của mình để qua đó vươn lên, dám nghĩ, dám làm, tăng cường đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng tái khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách DNNN. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật, trong đó, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước bao gồm tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước, đất đai, hầm mỏ và DNNN.
Thủ tướng nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 4 hội nghị lớn bàn về DNNN.
“Chúng ta đã có nhiều cách làm, nhiều chủ trương nên chúng ta đã chống cái trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả về cơ bản trong DNNN”, Thủ tướng nói.
Do đó, tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu tăng, nộp ngân sách Nhà nước cao hơn. Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn, thể hiện được vai trò chủ đạo trên lĩnh vực, tạo nguồn thu lớn. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tái cơ cấu thành công.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, DNNN còn nhiều tồn tại: hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019, mới cổ phần hóa được 36 doanh nghiệp (đạt 28% kế hoạch). Phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử gặp nhiều khó khăn, có nơi chậm, có nơi thiếu quyết tâm tháo gỡ.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ quy định về quản lý giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những tồn tại về tái cơ cấu, thoái vốn. Công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào DNNN.
Chỉ ra nguyên nhân khiến DNNN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. |
“Hiện tượng tham nhũng trong DNNN là còn, "sân trước, sân sau", thậm chí "vườn sau" là có, chúng ta phải chú ý khắc phục cái này, để làm sao DNNN cùng với hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo quyết liệt”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đặt ra cho các DNNN 6 vấn đề lớn cần nỗ lực và tiên phong trong thời gian tới. Thứ nhất, DNNN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, quản lý, nâng cao hiệu quả. Bộ máy điều hành cần nâng cấp, ứng dụng cách quản trị hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, kể cả các chỉ số theo dõi, sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, DNNN cần đi đầu trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, cần chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra quốc tế. Lấy thị trường nội địa là bàn đạp, vươn tới chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ tư, khắc phục được những thất bại của thị trường, quan tâm đầu tư các địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư, hoặc lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng. Đây phải được coi là một tiêu chí trong việc đánh giá hiệu quả của DNNN.
Thứ năm, DNNN cần góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thứ sáu, DNNN phải tiên phong trong nhiều lĩnh vực, điển hình như xây dựng chính phủ điện tử, mạng viễn thông 5G.
Để thực hiện tốt 6 nội dung này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đảm bảo sự phát triển cho DNNN, tạo tâm lý an tâm, hiệu quả đầu tư.
“DNNN như ôtô tải đi giữa đường phố đông người. Các doanh nghiệp khác như xe đạp, xe máy. Xe tải to lớn, nhưng phải minh bạch”, Thủ tướng nêu một trong những yêu cầu cho cả cơ quan quản lý và DNNN. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện thể chế, một số luật cần sửa phải báo cáo Chính phủ, để xử lý những vấn đề phát sinh hiện nay. Không để tầng nấc hành chính từ Trung ương đến địa phương làm cản trở hoạt động của DNNN, để xảy ra tình trạng “sống chết mặc bay”.
Một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu DNNN phải khắc phục được những thất bại của thị trường, góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư và những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng mong muốn DNNN phải vươn lên, dám nghĩ, dám làm, tăng cường đổi mới sáng tạo, có chế độ công tác tốt cho cán bộ công nhân viên. |
“Chúng ta quản lý một khối lượng tài sản lớn như thế mà không làm được, thì trách ta trước rồi hãy trách người. Mong các đồng chí hiểu tốt vị trí vai trò của mình để vươn lên”, Thủ tướng nói.