
Kế hoạch vận động cư dân TPHCM đi xe buýt là một chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TPHCM. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang bị lạm phát và nạn ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… ở mức báo động. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch này không được làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã nhấn mạnh như thế tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành vào sáng 26-8.
“Vận động nhiều nhưng không có tuyến cũng thua”

Xăng tăng giá, nhiều người dân chọn phương tiện xe buýt để đi lại. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trừ Ủy ban MTTQ TPHCM chưa bày tỏ quan điểm chính thức, còn lại hầu hết đại biểu tham dự cuộc họp hôm qua đều ủng hộ chủ trương vận động cư dân TPHCM chuyển sang sử dụng phương tiện xe buýt thay xe cá nhân. Thế nhưng, cuộc vận động này có mang lại kết quả như mong đợi hay không thì rất nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn.
Như một lời tâm sự, bà Nguyễn Nguyệt Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết: “Trước đây, tôi vẫn thường đi làm bằng xe buýt. Với tôi, nan giải nhất khi sử dụng loại phương tiện công cộng này là thái độ đối xử chưa tốt của đội ngũ tiếp viên, tài xế. Có lần, tôi chưa kịp bước lên xe thì đã bị họ nhảy xuống kéo lên. Thấy vậy, những người đi trên xe lắc đầu ngao ngán nói, đi xe buýt là phải chịu như thế”. Theo bà Huệ, mặc dù những biểu hiện như thế chỉ thỉnh thoảng xảy ra nhưng nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến cuộc vận động.
Một thực tế khác, theo ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM là mạng lưới luồng tuyến xe buýt hiện nay bố trí chưa đầy đủ.”Nhà tôi ở phường 15 (quận 8). Hiện nay, nếu tôi đi đến sở làm bằng xe buýt thì cũng đâu có tuyến xe nào để đi. Vì vậy, vấn đề cần phải ưu tiên giải quyết là bố trí luồng tuyến sao cho đầy đủ. Nếu không, dù kêu gọi bao nhiêu mà không có luồng tuyến để đi thì cũng thua!”, ông Long thẳng thắn nói. Trước vấn đề này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng nhìn nhận: 151 tuyến xe buýt hiện nay chưa phủ kín được mạng lưới xe buýt của TP. Tuy nhiên, để mở được tuyến xe buýt cần phải có điểm đầu và điểm cuối tuyến. Trong khi đó, thời gian qua khi sở làm việc với các quận – huyện để xin đất mở thêm luồng tuyến thì các quận – huyện đều bác. Đây là bài toán vô cùng khó trong việc phát triển mạng lưới xe buýt.
Riêng ông Phạm Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Tài chính có lời cảnh báo: “Tôi nói ở đây là không phải là để bàn ra. Tuy nhiên, theo kế hoạch, đối tượng vận động đi xe buýt sẽ tập trung thực hiện trước là những người đang làm việc có tổ chức (cán bộ công chức, học sinh, sinh viên, công nhân). Do tính chất của công việc, đối tượng này sẽ tập trung đi xe buýt vào các giờ cao điểm. Sở GTVT cho rằng, trường hợp khách đi xe buýt có tăng thêm 2 triệu lượt khách/ngày thì công suất của hệ thống xe buýt vẫn có thể đáp ứng nổi.
Thế nhưng, số lượng này lại tính toán chung trong cả ngày. Trong trường hợp khách tập trung đi vào giờ cao điểm thì sở có đảm bảo đủ xe không? Ngoài ra, việc phát triển thêm luồng tuyến là không thể nên khi khách tăng bắt buộc phải tăng chuyến. Nhưng nếu chỉ cần tăng thêm 1,5 lần số chuyến thì số tiền trợ giá xe buýt sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Theo tôi, những vấn đề này, sở cần phải tính toán kỹ hơn”.
Tạo ý thức tiết kiệm trong dân: quan trọng nhất!
Một đại diện UBMTTQ TPHCM cho biết: “Những ngày qua, khi hỏi ý kiến 10 người thì đã hết 8 người kêu ca về tình trạng xe buýt không đúng giờ; tiếp viên, tài xế đối xử chưa tốt với khách”. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân cũng nhận định: Công tác điều hành vận tải hành khách công cộng tại TPHCM hiện nay còn quá cũ. Chưa nói, có những đoạn ngắn nhưng lại có đến 5, 6 chiếc xe buýt cùng chạy, mỗi chiếc chỉ có vài khách...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng: Cuộc vận động này khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Sở GTVT TPHCM phải xem cuộc vận động này không chỉ là nhiệm vụ chính trị của mình mà còn là cơ hội để phát triển ngành. Điều quan trọng nhất của cuộc vận động này là tạo ý thức tiết kiệm trong dân. Để làm được việc này, trước tiên sở phải tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công nhân viên; đặc biệt là giới tài xế, tiếp viên. Trong kế hoạch phải nói rõ chế tài đối với tiếp viên, tài xế đối xử không tốt với khách.
Cần thiết, xây dựng quy chế xét tuyển tài xế, tiếp viên với một trình độ nhất định vì có văn hóa mới điều chỉnh được hành vi của họ. Quan trọng là phải chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ này. Giải quyết việc nhà xe phân biệt khách đi vé lượt, vé tháng từ cái gốc của vấn đề là tổ chức lại luồng tuyến một cách khoa học; đầu tư hệ thống trang thiết bị điều hành hoạt động vận tải khách công cộng để xứng tầm của một thành phố lớn. Trong kế hoạch, phải có lộ trình phát triển đầu xe, luồng tuyến sao cho đến năm 2015 – 2020 đạt được tỷ lệ từ 20% – 25% người dân sử dụng phương tiện công cộng. Sở phải làm việc cụ thể từng quận để phát triển thêm luồng tuyến. Nếu quận – huyện nào không đồng ý thì báo cáo với UBND TPHCM giải quyết.
Dự kiến, sáng thứ 7 tuần này TPHCM sẽ chính thức phát động cư dân thành phố đi xe buýt và xe 2 bánh không có động cơ thay cho xe gắn máy.
Vân Anh