Văn hóa hay hủ tục?

Ngày 27-1, Tổ chức Động vật châu Á đã kêu gọi cộng đồng cùng vận động ngành quản lý tại Việt Nam chấm dứt lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Tổ chức này cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam, gây ra không ít tác động tiêu cực về nhiều mặt… Ngay khi thông tin này được đưa ra đã lập tức khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Theo tổ chức này thì “Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng”. Thậm chí tổ chức này còn cho rằng tục chém lợn trong lễ hội có những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội về nhiều mặt. Điều này làm xấu đi hình ảnh của đất nước khi cổ vũ việc đối xử tàn ác đối với động vật, đi ngược với lối đối xử nhân đạo, tôn trọng và bảo vệ động vật trên toàn thế giới. Những màn chém giết gây ảnh hưởng về tâm lý đối với người xem, đặc biệt là với trẻ em (dựa trên những nghiên cứu khoa học thực tế).

Tuy nhiên, theo GS - nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì đây là quan điểm của người chỉ nhìn hiện tượng mà chưa hiểu được căn nguyên sâu xa của nó. Theo GS Trần Lâm Biền, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) thường được biết tới với một nghi thức độc đáo, khi những “cụ ỉn” được chọn sẽ bị chém làm đôi để lấy máu tế Thành hoàng. Đây là nghi thức với ngầm ý xin Thành hoàng phù hộ để vùng đất bản địa được trù phú, màu mỡ - khi màu đỏ của tiết lợn được coi là biểu trưng của sinh khí. Nhiều người xem đứng ngoài và chỉ coi đó là lễ hội giết súc vật làm vui là nguyên nhân dẫn tới dư luận hiểu sai, có cái nhìn méo mó về nghi thức này. Gay gắt hơn, GS Ngô Đức Thịnh cũng bất bình với việc một số người tự cho mình quyền phán xét rất thiếu trân trọng về văn hóa của một địa phương khác bằng các cụm từ dã man, man rợ, hủ tục.

Nhà phê bình lý luận Nguyễn Hòa cũng cho rằng đây là sự “đụng đầu” giữa những quan niệm văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập. Lễ hội là văn hóa của dân gian, làng xóm vì thế đừng biến nó thành cái gì đó rất ầm ĩ, ghê gớm và không thể cấm đoán một cách cứng nhắc. Chém lợn là một tập tục, có câu chuyện văn hóa gắn liền với nó, hành động này cũng thể hiện nhu cầu tâm linh của người dân vì thế không thể cấm ngay lập tức việc họ thực hành nghi lễ tín ngưỡng đã có từ nhiều đời nay. Cần phải có cái nhìn sâu sắc và hiểu biết hơn về sự việc ấy. Theo ông Nguyễn Hòa, việc đề nghị cấm tục chém lợn cần phải tháo gỡ dần dần, đây là sự chênh giữa các quan điểm văn hóa khác nhau. “Anh bảo vệ động vật, tôi cũng bảo vệ động vật nhưng đây là con vật tôi nuôi để thịt chứ không phải lợn rừng hay là động vật tự nhiên. Hàng ngày có hàng vạn con lợn được hóa kiếp chặt đầu, cắt tiết ở trong các lò mổ liệu có cấm được không?” - ông Nguyễn Hòa nói.

Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, cuộc tranh cãi của giới nghiên cứu về việc duy trì hay thay đổi nghi thức mang tính hiến sinh như chém lợn, đâm trâu cũng thường xuyên diễn ra. Thậm chí có một số đơn vị quản lý còn dự định ra những văn bản để điều chỉnh hoạt động thực hiện nghi lễ được coi là “dã man, man rợ” này. Ai cũng có những quan điểm có góc nhìn riêng của mình, song trước hết cần hiểu rõ lễ hội dân gian là thuộc về cộng đồng vì thế mọi việc thực hành nghi lễ không thể áp đặt bằng các văn bản hành chính mà phải do cộng đồng tự điều chỉnh. Và như GS - nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã nhiều lần bày tỏ rằng phong tục tồn tại nhưng có thể mất đi, khi nhận thức của những người trong cuộc thay đổi. Nếu một ngày nào đó, những thế hệ trẻ tại Tây Nguyên, Đồ Sơn hay làng Ném Thượng cảm thấy chém lợn, đâm trâu, chọi trâu không còn phù hợp nữa thì tự họ sẽ chấm dứt, hoặc tìm sang một hình thức biểu đạt khác phù hợp hơn. Còn hiện tại, chúng ta hãy tôn trọng văn hóa của các cộng đồng và đừng vội phán xét.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục