Thiếu nhi là lực lượng độc giả thường xuyên và ngày càng đông đảo. Trong khi đó những nhà văn Việt Nam chuyên viết cho thiếu nhi hầu hết lại không sống được bằng tác phẩm của mình, thị trường sách thiếu nhi chủ yếu dành cho các tác phẩm dịch từ nước ngoài. Giữa tháng 5-2012, lần đầu tiên một hội thảo quy tụ nhiều nhà văn tâm huyết viết cho thiếu nhi đã diễn ra tại Biên Hòa - Đồng Nai, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Từ ý kiến những người trong cuộc, nhiều vấn đề bức xúc đã được “mở” ra…
Nhìn nhận đúng vai trò
Theo nhà thơ Trần Hoàng Vy, sáng tác văn học cho thiếu nhi là điều cực khó. Nó đòi hỏi nhà văn phải có cái tâm trong sáng, phải am hiểu sâu sắc tâm sinh lý của lứa tuổi. Trong khi đó, báo chí dành cho thiếu nhi lại rất hiếm.
Nhà văn Khôi Vũ cho rằng những trang văn học cho thiếu nhi trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam không có hoặc có rất ít tác dụng...
Từ kinh nghiệm của mình, nhà văn Nguyễn Thu Trân cho hay: “Tôi từng “bơi” nhiều năm trong bể văn học thiếu nhi Việt Nam, hiểu nội tình văn học thiếu nhi Việt Nam nên tôi đã không ngần ngại tự phong cho mình và các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi là những người dũng cảm. Hơn 20 năm cầm bút nhưng chưa bao giờ tôi thấy hội trung ương hoặc hội khu vực nào tổ chức một hội nghị hoặc hội thảo về văn học thiếu nhi “cho ra ngô ra khoai”…”.
Nhà văn Trần Đức Tiến thì bức xúc rằng, Hội Nhà văn Việt Nam - tổ chức mang tính xã hội, nghề nghiệp cao nhất của các nhà văn - chưa từng độc lập đứng ra tổ chức một cuộc thi, một cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi. Hội cũng chưa có giải thưởng hàng năm dành riêng cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Các trại sáng tác văn học cho thiếu nhi cũng chỉ được tổ chức năm thì mười họa. Từ đó theo ông, cần phải nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về vai trò của văn học thiếu nhi, để từ đó có những quan tâm chăm sóc thích đáng của xã hội, của nhà nước, qua đó tìm lại cho các em thói quen và niềm say mê đọc sách văn học…
Trách nhiệm của chính các nhà văn
Từ trước đến nay, những tác giả thành danh sáng tác văn học cho thiếu nhi ở nước ta không nhiều, có thể kể đến Tô Hoài, Phùng Quán, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Đoàn Giỏi, Định Hải, Trần Hoài Dương, Thùy An, Đặng Hấn… Gần đây nổi bật nhất là Nguyễn Nhật Ánh bên cạnh Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ), Trần Đức Tiến, Nguyễn Thu Trân, Nguyễn Ngọc Thuần...
Như lời nhà văn Trần Đức Tiến: “Nói gì thì nói, để có tác phẩm hay thì sự nỗ lực tự vượt mình của các nhà văn vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu. Hãy thử đọc các tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc của các nhà văn nước ngoài được dịch ra tiếng Việt sẽ thấy chúng luôn tạo ra sự kinh ngạc, phấn khích. Các nhà văn Việt Nam có thể viết được như thế không?”.
Để có tác phẩm chất lượng, theo nhà thơ Trần Quốc Toàn, các nhà văn không chỉ “sống lại” tuổi thơ của mình mà còn phải biết “sống cùng” với tuổi thơ hôm nay. Thành công của Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ điển hình, khi ông vừa sống lại - để có Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, rồi Lá nằm trong lá nhưng ông cũng biết sống cùng với tuổi thơ hôm nay để có bộ Kính vạn hoa đạt nhiều kỷ lục.
Nhìn lại đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Hiệp hết sức thực tế: “Nhà văn cũng là người, cũng lo toan, lo nghĩ trăm mối bòng bong đời sống, không thể yên tâm sáng tác mà sống bằng hương hoa, bằng lời khen mãi được. Một suất nhuận bút năm bảy chục, một trăm ngàn, chưa đủ tiền cà phê; ngoài ra sách được các nhà xuất bản hoặc liên kết xuất bản in cho là mừng rồi. Cả đất nước này chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là sống được bằng nghề viết cho thiếu nhi nhưng đâu phải ai cũng là một Nguyễn Nhật Ánh ăn khách “sinh phùng thời” như vậy được”.
Rõ ràng, bức tranh dành cho văn học thiếu nhi ở nước ta không thể sáng sủa nếu không có sự nỗ lực từ nhiều phía.
Phan Huỳnh