Vài năm nay phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng tại TPHCM bị thu hẹp dần, sức lan tỏa cũng không còn mạnh mẽ như trước. Đó là điều tất yếu bởi đời sống văn hóa tinh thần người dân ngày càng cao, đòi hỏi các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp phải ngày càng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận giá trị thực tế từ những cuộc liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng diễn ra ở các quận huyện trong những năm trước. Đã có một thời văn hóa nghệ thuật quần chúng hoạt động rầm rộ tại khắp nơi trên địa bàn thành phố, tạo nên những luồng gió mát về văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của đông đảo người dân, đặc biệt là đối với bà con các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, tạo sự nối kết tình chòm xóm láng giềng.
Các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn còn là một kênh thông tin tuyên truyền, phục vụ nhu cầu cổ động chính trị. Không chỉ thế, thông qua những tác phẩm âm nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tôn vinh những danh nhân, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc… các liên hoan, hội diễn cũng đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam, ca ngợi vẻ đẹp và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi sự phát triển văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp của nước nhà ngày càng mạnh mẽ, có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, giải trí hiện đại ra đời, cộng thêm tình hình kinh tế có nhiều khó khăn… thì hoạt động của văn hóa nghệ thuật cơ sở ngày càng bị thu hẹp dần. Kinh phí đầu tư nhỏ giọt, lực lượng người dân tham gia ngày càng thưa thớt. Các doanh nghiệp đặt nặng mục tiêu kinh tế, vô tình xóa dần sân chơi ca hát, ít đầu tư cho phong trào văn nghệ của công nhân lao động. Hơn nữa, các chương trình được đầu tư dàn dựng sau khi tham gia các liên hoan hội diễn xong thường bị “xếp xó”, không được đưa đi lưu diễn phục vụ bà con trên địa bàn khu dân cư, vùng sâu vùng xa, phục vụ đời sống văn hóa cơ sở.
Một điều làm trăn trở nhiều cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cơ sở nữa là thiếu sự quan tâm cổ vũ của các cơ quan báo chí đối với các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng. Một khi thưa vắng những buổi giao lưu, tuyên truyền văn hóa hữu ích… thì dễ dàng thấy rõ sự xuống dốc của các chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng và đời sống văn hóa cơ sở.
Một cán bộ văn hóa đã chia sẻ: “Chúng tôi buồn và cảm thấy lo lắng vì các chương trình văn hóa nghệ thuật dành cho quần chúng đang ngày càng mai một, mất đi. Tính đến thời điểm này, chỉ có vài quận huyện còn duy trì tổ chức được các liên hoan tuyên truyền ca khúc chính trị, hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng ngày càng eo sèo, ít được quan tâm”. Vậy nên, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, lãnh đạo các cấp, các ngành, để hỗ trợ tốt hoạt động các đội nhóm và CLB, mới duy trì và phát huy được nội lực, khơi dậy phong trào văn hóa cơ sở…
Thúy Bình