Vẫn thiêng liêng Tết bình thường mới

Tết Tân Sửu năm nay chắc cũng vậy, cho dù đại dịch đang lẩn khuất rình rập. Bởi những ngày ở Tết Việt vốn cao cả khác thường, là thiêng liêng phi thường. Sinh lực của một dân tộc không chỉ tồn tại trong lao động và chiến đấu, còn mạnh mẽ thăng hoa trong lúc thanh thản ung dung ăn, chơi. Cả ngàn năm trước nó đã vậy, cả ngàn năm sau vẫn bình thường vậy.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

Thế là sắp đến Tết con Trâu, Hà Nội mới qua ngày Đông chí đã dịu dàng mưa phùn mìn mịn. Cho dù năm nay có tháng nhuận, nhưng từng góc phố bỗng khe khẽ hơi Xuân. Những gã “cao bồi già phố cổ” lãng đãng lên Nhật Tân tìm cây cảnh để chơi Tết sớm, đa phần đều đeo khẩu trang. Dịch Covid liệu có làm mùa xuân lưỡng lự. Thực ra, dư cả trăm năm rồi, người Việt đã có nếp quen đón Xuân bằng hai cái Tết, dương lịch Tết Tây và âm lịch Tết ta. 

Khoảng hơn chục năm trước, nhiều nhà bình thường ở Hà Nội có dâu tây hay rể tây thường làm cỗ vào chiều tối ngày mồng một dương. Mâm cỗ đại loại vẫn giò lụa chả quế, măng ninh chân giò, chim câu hầm, cá kho riềng... và chắc chắn có đĩa bánh chưng. Bánh chưng mua ở Quốc Hoa Hàng Bông hoặc Đức Minh chợ Hôm. Bố vợ uyên thâm giải thích cho thằng con rể Tây rằng, bánh chưng là quốc túy, ông Lang Liêu nghĩ ra nó là người Việt trăm phần trăm. Vàng hạt đỗ là Thổ; đỏ thịt lợn là Hỏa; trắng gạo nếp là Kim; đen lạt buộc là Thủy. Triết lý âm dương ngũ hành chính là đặc sản của xa xưa Bách Việt, nhưng bị người phương Bắc nhón lấy rồi thêm thắt vào cho hoành tráng. 

Nghe một hồi, chàng rể Tây nhăn nhó vẻ như chưa hiểu. Anh chỉ vào cái dây nilon buộc thay lạt màu ngà bềnh bệch, thắc mắc là cái màu này thuộc “hành” gì. Cô vợ ngồi cạnh cố chữa cho cái ngố của chồng bằng cách tiếp cho hôn phu cả miếng tướng bánh chưng ở góc, toàn gạo là gạo. 

Còn ở ngoài phố, loanh quanh những ngày tết Tây luôn mang vẻ sôi động bồi hồi. Các khách sạn nhiều sao, các quán bar nhiều rượu có đông người nước ngoài đều ấm áp lung linh ánh đèn tiếng nhạc. Một đôi hạnh phúc chồng tây vợ ta với đứa con lẫm chẫm âu yếm tiếp cho nhau thức nhắm bằng đũa. Ở bàn kế bên vài thương gia trung niên sang trọng diện smoking nơ đen sơ mi trắng thong thả uống vang đỏ, nét mặt hồng hào mông lung, nửa như rạng rỡ hân hoan nửa như bùi ngùi tội nghiệp. Họ đang tha hương và không khí tết bao giờ cũng làm những kẻ xa nhà cồn cào bội phần nhớ về người thân. Xa xa bên kia đường, có một quán chườm ra vỉa hè ồn ào vài đám tây trẻ đang chúc nhau rượu. Thỉnh thoảng lại lặng đi một nỗi nghèn nghẹn trong veo da diết như ca từ của bài Happy New Year. Chắc tết Tây năm nay, ở vỉa hè gần khách sạn Metropol hay ngã ba Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, sẽ khó còn những cảnh đáng yêu này.

Nếu miễn cưỡng phải so sánh với vài đô thị lớn khác như TPHCM hay Đà Nẵng thì người Hà Nội luôn sống chậm. Có phải vậy chăng mà khi ứng xử với dịch Covid, người dân phố cổ tuy không chủ quan nhưng vẫn mang vẻ ung dung thanh thản. Mới vào đầu tháng Chạp nhưng mấy hàng giò chả khét tiếng từ chợ Hàng Da đến chợ Hàng Bè đều lo lắng tuyển thêm thợ phụ. Bà chủ nhoay nhoáy bấm phím smartphone, sung sướng lẫn chút nhăn nhó: “Dịch thì dịch, người ta vẫn đặt trước đầy ra đây này”. Ngày xưa, cũng chưa hẳn xưa lắm, ở thời trong trắng bao cấp, để lo cho cái Tết thật đàng hoàng luôn là việc vất vả. Không kể chuyện tiền nong, chỉ cần đếm những công phu bỏ ra cho Tết đã là sự nhọc nhằn đại sự. Nào là xếp hàng mua gạo nếp, mua lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Nào là đôn đáo chạy lo mua cân thịt mua gói kẹo, để bàn thờ Tết có mâm cỗ khang trang cúng tiên tổ. Tuy hớn hở nhưng ai nấy cũng đều loay hoay nhớn nhác. Vui đấy mà mệt đấy. 

Còn ngày nay khác hẳn, chỉ cần ngồi nhà lên mạng online đã nhan nhản các dịch vụ. Giò lụa muốn đôi cái hay chục cái, loại thượng hạng hay trung bình. Rồi cá kho rồi thịt đông, bảo đảm từ mộc nhĩ nấm hương đến gia vị, đều cực kỳ an toàn thực phẩm. Chỉ cần ngồi nhà ấn nhẹ “ok” trên bàn phím, người ta “síp” đến tận nhà từ nồi to để luộc cho đến cái dây lạt bé xíu.

Thế nhưng, đã là người Việt, đặc biệt là gốc Hà Nội, mâm cỗ mấy ngày Tết Nguyên đán quan trọng lắm. Đâu phải ngẫu nhiên nó được gọi là Tết “nhất”. Bởi thế nhà nào nhà nấy, nơi bàn thờ tổ tiên, luôn có mâm đồng cỗ cúng cạnh mâm gỗ son ngũ quả ngan ngát trầm hương. Tất cả người đang sống như bỗng quên danh lợi, mông lung hướng tới chốn cao cả thiêng liêng, chân thành khấn vái. Tất nhiên, cỗ phải thưởng thức nên những món ăn đều quyến rũ, vừa đậm vừa béo. Bánh chưng rán để cạnh thịt đông, giò thủ để cạnh vịt nướng có kèm đĩa chân giò hầm sốt mayonnaise thời thượng. Chiều muộn trừ tịch giao thừa là cỗ tất niên. Sáng mùng một chúc tụng người trên ông bà, bố mẹ là cỗ tân niên. Xâm xẩm tối muộn, anh chị em “kiến giả nhất phận” vui vẻ đoàn viên ngồi xếp mâm bày cỗ. Cả ba ngày Tết liên miên chỉ ăn và uống. 

Đến mùng năm đang ngất ngư ngây ngấy, nhiều nhà đã làm sớm hóa vàng. Từ công chức lương thưởng hành chính cho đến doanh nghiệp tư gia, bụng người nào người nấy đều óc ách những gà quay, ngan hầm, hạnh nhân, xúp lơ xào, bóng thả mọc miến lòng gà. Rồi bát ninh, mỡ gáy lợn cả miếng trắng ngần, làm già nửa bát vẫn không hề ngấy. Tự nhiên thấy vừa thương vừa hờn những thực khách quanh năm bị ê hề ở mấy quán xô bồ 5 sao, mới trưa mồng hai đã cao đạo đòi cá riêu, canh cua, rau sống. Cỗ Tết là phải cao lương mĩ vị, phải rắc rối cầu kỳ, phải nghẹn ngào no tới rụng rốn. Với Tết, người Hà Nội không tiết kiệm.

Tết Tân Sửu năm nay chắc cũng vậy, cho dù đại dịch đang lẩn khuất rình rập. Bởi những ngày ở Tết Việt vốn cao cả khác thường, là thiêng liêng phi thường. Sinh lực của một dân tộc không chỉ tồn tại trong lao động và chiến đấu, còn mạnh mẽ thăng hoa trong lúc thanh thản ung dung ăn, chơi. Cả ngàn năm trước nó đã vậy, cả ngàn năm sau vẫn bình thường vậy.

Tin cùng chuyên mục