Vàng "xanh" thử lửa

Vàng "xanh" thử lửa

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 1
Vàng "xanh" thử lửa ảnh 2

Khi ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm lừng tự pha trong xưởng rang xay cà phê của chị Ka Nhụy ( SN1987, thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), ít ai ngờ câu chuyện vươn lên làm “bà chủ” của chị lại nhiều chông gai. Chị Ka Nhụy cho biết, thời điểm năm 2015-2016, giá cà phê xuống thấp, chị bàn với các thành viên trong gia đình rằng nếu cứ theo lối cũ - thu hoạch rồi bán hạt tươi - thì lợi nhuận không được bao nhiêu. Được gia đình đồng thuận, chị bắt tay “khởi nghiệp” bằng nguồn lực tự có, là số cà phê thu hoạch từ 1,8ha.

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 4

Khi đó, cà phê sau khi thu hoạch được sơ chế và rang xay thủ công bằng chảo sắt lớn. “Hương vị cà phê mộc được những người xung quanh tiếp nhận tích cực. Tôi mạnh dạn đăng ký kinh doanh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. May mắn, nhờ chị Hằng và đoàn thanh niên hướng dẫn, kết nối tiếp cận cách làm bao bì, nhãn hiệu. Quan trọng nhất là được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tiên, với 50 triệu đồng vào năm 2021. Đối với bản thân tôi, đây là số tiền rất lớn vào thời điểm đó vì nguồn lực gia đình cạn kiệt”, chị Ka Nhụy kể.

Có vốn, chị sắm máy rang xay cỡ nhỏ (loại 3kg), tổ chức lại khâu chế biến, sản phẩm theo đó bán được nhiều hơn. Đánh giá cao hiệu quả bước đầu, Huyện đoàn Bảo Lâm một lần nữa đứng ra “bảo lãnh” để chị Ka Nhụy tiếp cận các khoản vay 100 triệu, rồi 200 triệu đồng. Nhờ vậy, cơ sở sản xuất cà phê của gia đình chị dần dần mở rộng về quy mô và năng lực cung ứng.

“Thương hiệu” Lek Coffee thay vì chỉ bán quanh xã, huyện thì năm vừa qua đã xuất đi tiêu thụ tại TP Cần Thơ, TPHCM và Hà Nội, với hơn 800kg cà phê bột. Chị Ka Nhụy cũng là người đầu tiên trong vùng làm được điều này.

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 5

Sau khi xuất ngũ năm 2009, anh Phạm Thế Tuấn (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) dành nhiều năm "đầu quân" cho các công ty ở TP Bảo Lộc. Dù vậy, anh luôn ấp ủ giấc mơ về mô hình trồng rau “đứng”.

Năm 2017, anh Tuấn quyết định trở về quê nhà, tìm tòi, nghiên cứu tạo ra bộ thiết bị trồng rau khí canh (trồng rau trên các trụ thẳng đứng - PV). Với bản lĩnh của người lính cụ Hồ và là Đảng viên trẻ, sau vài năm miệt mài nghiên cứu, điều chỉnh, tối ưu hệ thống bằng những vật liệu thông thường sẵn có trong nước, hệ thống phun tưới thông minh vườn khí canh của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận năm 2020. Nhưng lúc này, khó khăn với anh là làm sao phát triển nhân rộng mô hình thương mại.

“Nhận thấy mô hình khởi nghiệp của anh Tuấn có tiềm năng có thể nhân rộng, bên cạnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên huyện đã đứng ra kết nối để mô hình vườn rau khí canh của anh đi tham dự nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu”, chị Hoàng Thị Mỹ Hằng cho biết.

Sau những lần đem mô hình đi giao lưu, thiết bị khí canh của anh Tuấn từng bước tiếp cận thị trường rộng hơn. Anh chia sẻ: “Làm ra sản phẩm đã khó nhưng tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn rất nhiều, nhờ đoàn thanh niên hỗ trợ kết nối mà giờ chúng tôi đã phát triển “chi nhánh” ở các địa phương khác, với sự tham gia của khoảng 150 thành viên chủ yếu là các bạn trẻ. Chính sự năng động của những người trẻ, thiết bị của chúng tôi có thể chuyển giao công nghệ ngay tại chỗ cho khách hàng mà không phải di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, thay vì thiết lập nhà xưởng cố định tại một địa điểm, khả năng tiếp cận khách hàng càng rộng hơn”.

Chị Hằng cho biết: “Số tiền ban đầu là "vốn mồi" để các bạn trẻ tự tin vào con đường đã chọn, quan trọng hơn, trên con đường khởi nghiệp, các bạn sẽ không thấy cô độc, mà luôn có sự sát cánh, song hành của tổ chức Đoàn”.

Những năm qua, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc thanh niên chủ động nêu cao vai trò, trách nhiệm, thể hiện tính tiên phong, sáng tạo của các đoàn viên thanh niên trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, gắn với nội dung học tập và làm theo Bác, chị Hằng xác định: “Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác Đoàn; đồng thời, đây là nhiệm vụ quan trọng để làm tốt công tác thu hút tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn”.

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 8

Nhờ sự năng động, chị Hằng vận động được nhiều nguồn vốn dành cho thanh niên phát triển kinh tế, quan tâm và tạo điều kiện rất lớn để thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay thực hiện các dự án khởi nghiệp, ổn định kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Lâm.

Đặc biệt với mô hình “Tuổi trẻ chung tay Xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn Bảo Lâm đã triển khai các phong trào, hoạt động đến 100% cơ sở Đoàn, điển hình là chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Qua đó, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên. Lực lượng “dự bị xung kích” của Đảng đã luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, tích cực với các hoạt động an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng.

Từ các mô hình, hoạt động cụ thể, trong những năm qua, nhiều công trình, phần việc của thanh niên, trị giá hàng tỷ đồng được duy trì hiệu quả.

Qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình là giai đoạn từ 2017-2022, hoạt động của Đoàn Thanh niên tại địa bàn huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ 14 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, trong đó, một số dự án phát huy tốt và ngày càng phát triển. Ngoài ra, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho hơn 2.500 đoàn viên thanh niên; phối hợp tổ chức 22 lớp dạy nghề, 11 lớp trung cấp nấu ăn và trung cấp nông nghiệp cho thanh niên trên địa bàn dân cư thu hút trên 1.000 đoàn viên tham gia... Song song, phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm triển khai quản lý nguồn vốn vay ủy thác trong thanh niên, với tổng dư nợ hiện nay là 70,914 tỷ đồng/1448 hộ/34 tổ…

Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài quản lý nguồn vốn ủy thác trên 86 tỷ đồng, chị Hằng cùng Huyện đoàn Bảo Lâm đã tạo điều kiện hỗ trợ 22 dự án khởi nghiệp, với kinh phí 2,1 tỷ đồng, tư vấn việc làm cho gần 500 thanh niên, mở 5 lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn (nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp…)

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 9
Vàng "xanh" thử lửa ảnh 10

Nhiều năm liền, bên cạnh việc hỗ trợ người dân trong các phong trào khởi nghiệp, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, chị Hằng cũng nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chính vì vậy, quá trình công tác, chị đã không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm, tìm kiếm xây dựng lực lượng “dự bị” tin cậy của Đảng trong đoàn viên - thanh niên.

Vàng "xanh" thử lửa ảnh 11
Vàng "xanh" thử lửa ảnh 12

Tin cùng chuyên mục