Về ca tử vong ở Thanh Hóa nghi ngờ do virus H5N1 : Đặc biệt cảnh giác dịch bệnh nguy hiểm này

Ngay những ngày đầu năm 2009, dịch cúm A H5N1 ở người đã tái phát trở lại dù trước các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát trong mùa đông- xuân và Tết Nguyên đán. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế).

- PV: Ông có thể cho biết thêm thông tin về trường hợp mắc và nghi ngờ tử vong do cúm A H5N1 ở Thanh Hóa?

TS NGUYỄN HUY NGA: Phải khẳng định hiện có một ca mắc cúm A H5N1 là cháu Bùi Thị T. (8 tuổi ) ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân này khởi bệnh từ 27-12-2008, nhưng ngày 2-1-2009 mới nhập viện với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, chụp X.quang có hình ảnh viêm phổi do virus và khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho kết quả dương tính với cúm A H5N1.

Về trường hợp tử vong của cháu Bùi Thị Th. (13 tuổi) là chị ruột bệnh nhi Bùi Thị T. do không làm được xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nên chúng tôi không khẳng định là do virus H5N1, dù cháu Th. cũng có các biểu hiện bệnh như người em. Tuy nhiên, thông báo của Sở Y tế Thanh Hóa, cháu Th. tử vong là do sốc nhiễm trùng.

Cũng phải nói, cả 2 trường hợp này, qua điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi khởi bệnh 1 tuần, bệnh nhân và gia đình có ăn thịt gia cầm mắc bệnh. Và tại gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh có gia cầm chết không rõ nguyên nhân.

- Như vậy dịch cúm A H5N1 ở người đã tái phát, ông có thể cho biết những nguy cơ nào khiến dịch bệnh nguy hiểm này dễ phát triển mạnh trong mùa đông-xuân?

Bệnh cúm, đặc biệt là cúm A H5N1 có thể xuất hiện quanh năm nhưng tần suất mắc cao nhất vẫn là vào mùa đông – xuân. Bởi lẽ, thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus cúm phát triển và lây lan cho người, đặc biệt là những người sức đề kháng kém, như người già hoặc trẻ em. Bệnh này cũng phát triển mạnh ở những nơi có mật độ dân cư cao, trong chung cư chật hẹp và thiếu vệ sinh, đặc biệt sau lũ lụt. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm gần Tết Nguyên đán nên lượng gia cầm được lưu thông và tiêu thụ tăng mạnh khiến mầm bệnh từ gia cầm bệnh cũng dễ phát tán hơn.  

- Mới đây cơ quan thú y Lạng Sơn đã tìm thấy virus H5N1 trong dịch họng hầu của gà Trung Quốc nhập lậu. Trong khi đó, số gà nhập lậu vào Việt Nam hiện vẫn chưa kiểm soát được. Ông có thể cảnh báo người dân như thế nào trước tình trạng này?

Trong năm 2008, cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp mắc cúm A H5N1 ở người và tất cả các trường hợp mắc đều tử vong và có liên quan đến gia cầm. Điều này cho thấy, dịch cúm A H5N1 rất nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạnh người dân.

Tết Nguyên đán đang tới gần và đây là thời điểm tiêu thụ gia cầm nhiều nhất trong năm nên người dân cần hết sức cảnh giác, ngay cả ở những vùng chưa phát hiện dịch cúm gia cầm.

- Đến nay, vaccine cúm H5N1 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Theo ông, có nên tiêm phòng cúm do các tuýp khác để nâng cao thể trạng hay không?

Việc tiêm phòng các chủng cúm theo mùa vẫn được ngành y tế khuyến cáo để giúp người dân phòng các bệnh cúm thông thường. Việc này cũng nhằm mục đích đề phòng trường hợp tái tổ hợp của các chủng cúm thông thường với cúm tuýp A H5N1 biến đổi thành một chủng cúm mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn trong cộng đồng theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục