Những ngày này, hoa ban ở Điện Biên chỉ còn điểm một ít bông, còn cánh rừng Mường Phăng, mang tên Đại tướng thì vẫn một màu xanh ngát và cánh đồng Mường Thanh lúa mới ướm đòng đòng. Dòng người về với Điện Biên mỗi ngày một đông, như một cuộc trở về với bao niềm cảm xúc.
Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã ngoài 80, cuộc trở về lần này là cả một sự cố gắng. Tuy râu tóc bạc phơ nhưng dáng đi của những người chiến sĩ ấy vẫn nhanh nhẹn, hăm hở như thuở nào. Nhiều người đi cùng đồng đội, không ít người đi cùng gia đình, con cháu. Nhiều đoàn đi bằng ô tô, từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Vĩnh Phúc… lên Điện Biên cũng mất gần 2 ngày.
Đường lên Điện Biên - miền Tây Bắc khá xa, nhưng đây là nơi của biết bao nỗi nhớ - nhớ một thời oanh liệt, nhớ đồng đội mãi mãi ở lại nơi này, nơi mà các nghĩa trang hầu hết là những ngôi mộ không tên. Tên các liệt sĩ đã hòa vào tên của Điện Biên huyền thoại, làm nên một tượng đài bất tử trong lòng các thế hệ Việt Nam.
Nhiều khách nước ngoài cũng đã đến Điện Biên, trong số đó có nhiều khách đến từ Pháp. Họ xem kỹ các địa danh, bia tưởng niệm, nghe kỹ các thuyết minh ở nhà bảo tàng và tìm cách hỏi han… như để được chia sẻ những hồi ức, những hiểu biết có thể được từ mảnh đất linh thiêng này.
Tầm vóc của chiến thắng đã đưa Điện Biên vào từ điển bách khoa thế giới, vào hàng những trận đánh làm rung chuyển thế giới, trở thành một phần của lịch sử thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thôi thúc, cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đứng lên giành độc lập. Đến năm 1960 đã có gần 20 nước châu Phi đánh đuổi được ách thực dân và đến năm 1967 thực dân Pháp buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước từng là thuộc địa của mình, chấm dứt thời đại thống trị khoảng 400 năm của chủ nghĩa thực dân cổ điển trên thế giới.
Các chiến sĩ thời đánh Mỹ, giờ cũng đã ngoài tuổi 60, họ về đây cùng với các lớp chiến sĩ trẻ, cán bộ đương chức. Ai cũng muốn có dịp đến Điện Biên, để cho tim óc mình thấm sâu hơn những bài học lịch sử, những bài học mà trường lớp, sách vở… khó có thể thay thế được.
Cho tới bây giờ mà những câu hỏi “Tại sao Điện Biên?” vẫn luôn là đề tài muốn được nghe, được hiểu một cách thấu đáo. Cho đến bây giờ, những bài học về Điện Biên vẫn mang tính thời sự, tinh thần Điện Biên vẫn luôn rất cần được khơi dậy để tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước.
Cho đến bây giờ, khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Bội Giong - trợ lý Đại tướng vẫn nhớ như in lời Đại tướng đã từng nhắc đến: Nhiệm vụ được giao càng lớn, khi tiếp cận công tác càng phải thận trọng, khiêm nhường, tránh ảo tưởng, tránh quyết định vội vàng, sai lầm. Theo ông, sự khác biệt của Đại tướng chính là sự khiêm nhường, đó là một nhà lãnh đạo, một trí thức cách mạng, có kiến thức rộng, có tầm nhìn và phương pháp khoa học…
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, nơi đây đã chuẩn bị nhiều công trình, nhiều hoạt động. Trong đó có công trình mới là Bảo tàng Điện Biên. Bảo tàng mới có hình tròn như chiếc mũ lưới của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Bảo tàng mới thể hiện chiến dịch Điện Biên có diện tích 7.000m² bên trong, diện tích hỗ trợ bên ngoài 15.000m² trưng bày vũ khí, phương tiện của cả Pháp và của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Về với Điện Biên, ta có cảm giác được về với nơi có thiên nhiên trong lành, có lúa nương, nếp nương, có các bản làng, có các dân tộc Thái, H’Mông, Kinh…chung sống cùng nhau, thể hiện sự chân chất, hiền hòa và mến khách. Các cô gái Thái có nét gì đó rất riêng, vừa đậm sâu mà nhẹ nhàng, thanh thoát trong làn điệu múa xòe và trong câu chuyện tiếp xúc. Điện Biên giờ đây có biết bao những đổi thay.
Thành phố Điện Biên như khoác lên một chiếc áo mới nhưng vẫn còn in đậm hình ảnh của một chiến trường xưa. Cách không xa chiếc cầu qua sông Nậm Rốm là hầm của tướng De Castries, các xe tăng nằm lại cánh đồng Mường Thanh… chỉ có khác là nhiều hiện vật đã có mái che làm cho không gian như hẹp lại… nhưng giải pháp nào để bảo vệ di tích như xưa, thật không dễ chút nào.
Những ngày này, chúng ta bồi hồi nhớ đến Bác Hồ kính yêu, Người đã tin cậy trao cho Đại tướng - tổng tư lệnh mặt trận “Tướng quân tại ngoại” với lời dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Những ngày này, chúng ta nhớ đến Đại tướng - người đã có một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân: đó là quyết định kéo pháo ra - tiến hành cuộc lui binh lịch sử, để rồi kéo pháo vào, đánh một trận động địa kinh thiên. Đó là trận đánh chứng tỏ lần đầu tiên quân đội của một nước nhỏ bé, chỉ 10 tuổi quân đã đánh bại một quân đội nhà nghề lâu năm, thiện chiến nhất, nhì thế giới lúc bấy giờ. Một trận đánh không chỉ có sức mạnh của quân đội. Trận đánh mà tướng De Castries phải thừa nhận: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Điện Biên - 60 năm, Đại tướng đã không trở lại, người đã về nơi yên nghỉ - Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Trạch, Quảng Bình. Nơi đây, những ngày này, đã có hàng vạn người đến viếng mỗi ngày để bày tỏ tấm lòng đối với một con người tài, đức vẹn toàn.
Những ngày này, nhiều chiến sĩ Điện Biên tuy không trở lại chiến trường xưa, nhưng có lẽ, ở khắp mọi miền đất nước, các chiến sĩ Điện Biên cũng đã có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng lớp trẻ. Trung tướng Lê Nam Phong - người đã từng đánh ở đồi Độc Lập rồi đến Dinh Độc Lập, bộc bạch: Khi nói chuyện với sinh viên TPHCM, các bạn trẻ hay hỏi: Tại sao mà bác có thể sống được? Trung tướng trả lời hóm hỉnh: Nhờ trời.
Những ngày này, lòng mỗi chúng ta đều hướng về Điện Biên, điểm hẹn lịch sử với những tình cảm đặc biệt. Xin chúc cho Điện Biên luôn phát triển, xứng với những gì đã có và xứng với kỳ vọng mà cả nước dành cho Điện Biên. Xin kính chào các chiến sĩ Điện Biên - những con người của một thời và mãi mãi. Tinh thần Điện Biên như đang giục giã mọi người cùng nhau làm nên những Điện Biên mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
PHẠM PHƯƠNG THẢO