Bắt cọp giữ làng
Về làng Thủy Ba nghe những người cao tuổi kể về một nghề xưa, nổi tiếng xa gần là nghề bắt cọp. Hiện những thế hệ cha ông từng tham gia đội bắt cọp ở làng Thủy Ba đã không còn nữa, nhưng những câu chuyện bắt cọp bằng mưu trí và lòng dũng cảm với những công cụ thô sơ của người dân làng Thủy Ba vẫn được con cháu lưu truyền, gìn giữ.
Chính từ cuộc sống khốc liệt, thường xuyên bị cọp tấn công nên người dân nơi đây đã đoàn kết, lập thành từng xâu (nhóm từ 12 đến 16 người) và sáng tạo ra cách giăng ải để săn bắt cọp dữ để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.
Không chỉ giăng ải bắt cọp để bảo vệ làng xóm của mình, người dân Thủy Ba được nhà vua nhiều lần gọi về kinh thành bắt cọp. Sau khi bắt được cọp, Triều đình nhà Nguyễn đã trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng tham gia bắt cọp 2 đồng tiền vàng. Năm 1705, ông Lê Bằng, một trong những người chỉ huy bắt cọp giỏi của làng Thủy Ba được nhà vua phong cho chức đứng đầu đội lính vọng thành để bảo vệ triều đình Huế lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủy Ba là một căn cứ địa kháng chiến quan trọng, khi đó cọp dữ hoành hành uy hiếp cuộc sống và các hoạt động kháng chiến của quân và dân trong vùng. Chỉ tính từ 1946 đến 1953 vùng Bình - Trị - Thiên đã có hơn 100 người bị cọp dữ giết hại. Trước tình hình đó, ủy ban kháng chiến nơi đây đã kêu gọi người dân trong vùng hỗ trợ người dân Thủy Ba mua sắm vũ khí và đan lưới diệt trừ cọp.
Gây cấn trận giăng ải
Mỗi lần Thủy Ba giăng ải là người từ khắp nơi đổ về xem bắt cọp vui như đi xem hội. Ông Nguyễn Quang Nga, cho biết: “Ông nội là cụ Nguyễn Chẻng từng là đội phó của đội bắt cọp trong làng, do bản thân khi đó còn rất nhỏ, nên không được tham gia bắt cọp mà chỉ được nghe ông cha kể lại những đợt giăng ải, vây ráp bắt cọp. Đặc biệt là cách giăng ải bắt sống cọp, việc này đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, tài trí và tinh thần đoàn kết cao. Ngoài dụng cụ như giáo mác, nạng thì mỗi xâu sẽ được trang bị từ 2 đến 4 tay lưới, mỗi tay lưới bắt cọp được làm rất công phu, chắc chắn làm từ vỏ cây sót lấy trong rừng, dài khoảng 8m, cao khoảng 3,5m”.
Người chỉ huy cho các xâu bủa lưới quanh ải. Các tay lưới được dựng đứng lên và nối liền nhau như một hàng rào vững chắc. Tiếp đó phải tiến hành chặt hạ những cây cao ở phía trong ải. Một số xâu được bố trí phía bên ngoài, cầm mác và nạng sẵn sàng chống lại lúc cọp xông ra phá lưới. Cây rừng được phát quang đến đầu, lưới bủa vây khép gọn lại đến đó. Khi tiến đến gần nơi cọp đang ẩn nấp, mọi người từ bốn phía ải đồng thành hô to:
“Ba làng đứng dậy cho đều, nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy...”
Xung quanh hưởng ứng hô “Reo! Reo! Reo!...”, hòa cùng tiếng trống liên hồi thôi thúc, vang dậy cả một vùng rừng núi. Những người phụ trách dồn lưới thật nhanh khép kín cửa ái, vây cọp vào giữa. Mặc dù cho con ác thú vùng vẫy, lưới cứ tiếp tục ép sát, giáo mác dựng lên tua tủa ở vòng ngoài, dồn cọp vào một vùng đất nhỏ hẹp hơn. Một rọ kẹp bằng gỗ được bố trí sẵn ở một phía ải để cọp chui vào và bị sập kín lại lúc này cuộc chiến mới kết thúc.
Năm 1953, con cọp nguy hiểm nhất trong vùng và cũng là con cuối cùng bị sập bẫy của dân làng Thủy Ba. Với số liệu không đầy đủ từ xa xưa, Thủy Ba đã giăng ải bắt được hơn 100 cọp dữ, loại trừ một hiểm họa lớn cho nhân dân trong cả ba tỉnh Bình Trị Thiên.
Ông Nguyễn Quang Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: “Giờ đây một mảnh của tấm lưới bắt cọp vẫn được lưu giữ trong bảo tàng truyền thống của xã là minh chứng cho những sự tích oai hùng của mảnh đất và con người Thủy Ba năm xưa. Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, tài trí thông minh và tinh thần thượng võ trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên và thú dữ. Người dân Thủy Ba nói riêng, xã Vĩnh Thủy nói chung qua các thế hệ đều thể hiện cao đẹp truyền thống yêu quê hương đất nước, tinh thần ngoan cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Xã Vĩnh Thủy vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.