Vì đam mê không muốn đi chệch hướng

Hoạt động phi lợi nhuận, chấp nhận bỏ tiền túi để hiện thực hóa niềm đam mê, nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh đã sống trọn vẹn với từng trang phục mà mình đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện.  
Áo Đoàn Loan Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương, được Nguyên Phong Đoạn Lĩnh phỏng dựng Ảnh: NGUYÊN PHONG ĐOẠN LĨNH
Áo Đoàn Loan Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương, được Nguyên Phong Đoạn Lĩnh phỏng dựng Ảnh: NGUYÊN PHONG ĐOẠN LĨNH
Học từng đường kim mũi chỉ

Chạy từ Biên Hòa (Đồng Nai) lên TPHCM, Trần Quang Minh Tân - người sáng lập Nguyên Phong Đoạn Lĩnh (một nhóm bạn trẻ nghiên cứu, tìm hiểu và phỏng dựng các trang phục triều Nguyễn) xách theo túi đồ lớn. Rất cẩn thận và tỉ mỉ, anh khoe thành quả nhóm đã thực hiện được - chiếc áo Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương (trưởng nữ của vua Dục Đức, chị cả vua Thành Thái).  

Cầm trên tay chiếc áo với thiết kế 3 lớp khác nhau, Tân say sưa nói: “Vải áo bằng gấm được đặt mua từ Hàn Quốc, vì nếu phỏng dựng theo đúng chất liệu xưa, chi phí quá đắt đỏ. Lớp áo ngoài cùng với phần tay ngũ sắc, tượng trưng cho ngũ hành - kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thể hiện sự dung hòa của trời đất, quy luật tương sinh với lời chúc tụng sinh sôi, nảy nở. Phần cổ áo cầu kỳ với các họa tiết vô cùng tỉ mỉ, trong đó nổi bật là hình ảnh hoa lá, chim loan. Ngoài áo chính còn có 2 lớp áo trong, quần, khăn vành, hài đồng bộ”.  

Áo Nhật Bình là kết quả của hơn 2 tháng làm việc tích cực của mỗi thành viên trong nhóm, kết hợp nhiều công đoạn, từ đi bảo tàng xem hiện vật gốc, nhờ tư vấn của các chuyên gia, tiến hành các công đoạn cắt, may, thêu, ráp nối sản phẩm... Nếu để phỏng dựng đúng trang phục xưa, số tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng nên nhóm quyết định chọn chất liệu có tính tương đồng với giá thành hợp lý, áp dụng công nghệ vi tính vào kỹ thuật thêu. Việc cắt vải, ép keo, đính kim sa, kết nút... được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Quá trình thực hiện, việc bị đùn vải, chùn vải, ráp vải... là những thách thức lớn. Trải qua vài lần thất bại, áo Nhật Bình mới hoàn thành. Mới đây, bộ trang phục đặc biệt này đã xuất hiện trong bộ phim 100 ngày bên em (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) và nhận được nhiều lời ngợi khen.    

 “Tôi vốn đam mê lịch sử triều Nguyễn từ lâu, nhưng phải mất vài năm ấp ủ mới quyết định đi sâu tìm hiểu và bắt tay vào làm. Thực tế, chúng tôi chỉ tiến hành phỏng dựng cả về mặt chất liệu, hoa văn, họa tiết..., chứ không dám nói là phục dựng”, Tân chia sẻ thêm. 

Nguyên Phong Đoạn Lĩnh được thành lập tháng 3-2017 với các thành viên ban đầu từng hoạt động trong một nhóm cổ phong khác. Hiện nhóm có 5 thành viên, mỗi người phụ trách lĩnh vực riêng. Quá trình hoạt động, nhóm cũng nhận được sự giúp đỡ của các nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, Vũ Kim Lộc... Cho đến nay, số lượng trang phục nhóm đã phỏng dựng thành công khoảng 30 bộ đồ, gồm trang phục của giới trung lưu, quý tộc, quan lại... Đặc biệt, mỗi bộ đồ gồm đầy đủ các phụ kiện đi kèm như khăn vành, mũ, hài, thẻ bài, ngọc bội… 

Khi được hỏi vì sao tên gọi nhóm mang hơi hướng cung đình, Tân giải thích: Nguyên Phong nghĩa là phỏng dựng lại nguyên vẹn giá trị văn hóa, còn Đoạn Lĩnh là hai chất liệu vải nổi tiếng của người Việt Nam xưa.  

Không chỉ vì lợi nhuận 

Sau hơn 1 năm hoạt động, theo Phạm Lê Minh Tuấn - thành viên phụ trách về truyền thông, không hẳn lúc nào mọi thứ cũng xuôi chèo mát mái. Có những lúc tranh luận nảy lửa, nhưng nhờ có chung mục tiêu nên đã gắn kết tất cả. Nguyên Phong Đoạn Lĩnh ngày càng hướng đến hoạt động chỉn chu, chuyên nghiệp hơn nhưng không thay đổi mục đích hoạt động từ ban đầu, đó là giới thiệu, quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp trang phục triều Nguyễn. 

Phạm Dương Trí, phụ trách hình ảnh của nhóm, cho hay: “Ban đầu mình thấy thích, rồi tìm hiểu và cuối cùng là quyết định gắn bó lâu dài”.  Sau quá trình làm việc, chính Trí cũng đã truyền niềm đam mê ấy đến với những người mẫu cho các bộ ảnh của Nguyên Phong Đoạn Lĩnh. Để có những bức hình ưng ý nhất, anh phải làm việc rất kỹ với người mẫu, kể cho họ nghe về câu chuyện của mỗi trang phục... Trí cho rằng, một bộ trang phục đẹp và kỳ công rất cần người mặc toát lên thần thái. Nó khiến sự kết hợp này trở nên hài hòa. 

Đã hơn một năm, nhưng đến nay Nguyên Phong Đoạn Lĩnh vẫn hoạt động dựa trên kinh phí cá nhân của từng thành viên. Minh Tân kể, có nhiều khách hàng tiếp cận, đặt may các sản phẩm, nhưng khi báo giá, họ lắc đầu chê đắt. Một chiếc áo dài của nhóm trung bình có mức giá từ 3-4 triệu đồng, cặp áo dài cưới 3 lớp gồm cả khăn, giày khoảng 15 triệu đồng... Một dự án phim cổ trang Việt hóa đã tìm đến nhóm để hợp tác. Hai bên bàn bạc rất nhiều, thậm chí lên ý tưởng chi tiết cho từng trang phục, nhưng cuối cùng, nhà sản xuất vì nhiều lý do nên đã dừng lại. “Chúng tôi cũng từng nghĩ đến việc sản xuất hàng loạt để giảm giá thành. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất, không vì lợi nhuận, giá cả mà giảm đi chất lượng. Điều đó làm mất đi tôn chỉ và danh tiếng của mình. Nhiều lúc chúng tôi sẵn sàng cho mượn đồ chứ không bán”, Minh Tân cho biết. 

Theo Minh Tuấn, hiện tại mục tiêu tiếp theo của nhóm là có kinh phí thực hiện trang phục của các vua, chúa, hoàng hậu, quý phi. Còn theo Minh Tân, mong muốn lớn nhất mà Nguyên Phong Đoạn Lĩnh tự đặt ra cho mình là một sự kiện diễn ra trong vài ngày, bao gồm triển lãm, tổ chức trình diễn thời trang, giao lưu tọa đàm. Kế hoạch là thế, nhưng để hiện thực hóa vẫn còn chặng đường dài. Chính vì vậy nhóm xác định, cứ đi từng bước và dù chưa có hỗ trợ, mọi thứ vẫn phải thật sự chỉn chu.

Tin cùng chuyên mục