Vì dân - dân đồng thuận

Chỉ sau 6 tháng triển khai dự án xây dựng hai cây cầu nối liền huyện Nhà Bè và quận 7, 100% mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư thi công. Kết quả đó có được nhờ công tác phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của 2 địa phương trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”.

Điểm sáng trong bồi thường tái định cư

Chỉ về phía dãy nhà 4 căn đang dần hoàn thiện, ông Nguyễn Văn Hạnh (số 6 đường Lê Văn Lương, tổ 7, phường Tân Phong, quận 7) cho biết, tất cả thành viên trong đại gia đình ông đều rất vui vì năm nay đồng loạt được đón tết trong những căn nhà mới. Nhà của các anh, chị em ông Hạnh đều nằm trên cùng một khu đất, do ba mẹ chia cho. Vì vậy, khi có dự án làm cầu Rạch Đỉa, các gia đình đều bị ảnh hưởng. Khi địa phương vận động bàn giao mặt bằng để triển khai làm cầu, mọi người trong đại gia đình ông đồng thuận tháo dỡ nhà cũ, giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Dẫn chúng tôi ra đến gần tim cầu, ông Hạnh nói: “Nhà chúng tôi nằm ở chỗ này, nay đập đi, lùi vào mười mấy mét để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Địa phương đã sớm chi tiền bồi thường để chúng tôi xây dựng nhà mới nên cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng gì”.

Tương tự đại gia đình ông Hạnh, các gia đình khác cũng phấn khởi khi dự án được triển khai, địa phương bồi thường thỏa đáng, hỗ trợ tháo dỡ vật kiến trúc, lắp đặt mới hệ thống nước, điện; hỗ trợ giấy phép xây dựng nhà…

i3b-6283-3351.jpg
Ông Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu dãy nhà mới của gia đình ông và người thân sau khi đập nhà cũ bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án

Cầu Rạch Đỉa và cầu Phước Long là 2 dự án trọng điểm được huyện Nhà Bè và quận 7 cùng triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2023. Điều đáng mừng là cả 2 dự án đều không phát sinh khiếu nại về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, 100% người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng từ rất sớm.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, chỉ mất khoảng 6 tháng, 2 địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến nay, cả 2 công trình đã thi công đạt bình quân 55% khối lượng. Dự kiến, cuối năm 2024, 2 công trình đều sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của 2 địa phương.

Cộng đồng trách nhiệm

Quận 7 có 78 hộ, còn huyện Nhà Bè có 94 hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án trên. Trong đó, ngoài bố trí nền tái định cư cho người dân địa phương, quận 7 còn bố trí 25 nền tái định cư cho người dân huyện Nhà Bè.

Là hộ được nhận tái định cư sang quận 7, ông Trần Văn Nhơn (ngụ số 79 đường Phạm Hữu Lầu, ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết rất phấn khởi khi các chính sách bồi thường tái định cư của 2 địa phương hài hòa, hợp lòng dân. Đó là, giá bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương gần như không có sự chênh lệch đã tạo sự đồng thuận rất cao trong nhân dân. Trong khi đó, việc tái định cư cho người dân cũng rất hợp lý, nhiều gia đình được nhận nền hoặc nhận căn hộ tại quận 7. Phía quận 7 bàn giao nền, nhà và nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cho người dân.

Gia đình ông Nhơn nhận hơn 20 tỷ đồng cùng với 1 nền tái định rộng hơn 90m2 tại khu tái định cư Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, quận 7). Số tiền đủ để các thành viên trong gia đình ông mua nhà ổn định cuộc sống riêng. Trong khi đó, nền tái định cư được bố trí gần nơi ở cũ nên công việc của người lớn, chuyện học hành của trẻ nhỏ không bị ảnh hưởng. “Mọi thứ đều rất thuận lợi”, ông Nhơn vui mừng nói.

Lãnh đạo huyện Nhà Bè khẳng định, với sự hỗ trợ rất lớn của quận 7 đã giúp hai địa phương nhanh chóng hoàn thành công việc. Trong quá trình vận động cũng có một, hai trường hợp chưa đồng thuận do họ muốn được tái định cư nhưng diện tích giải phóng mặt bằng chưa đủ điều kiện.

Xét hoàn cảnh khó khăn của gia đình, địa phương đã vận dụng các chính sách có lợi nhất cho người dân; kiến nghị thành phố duyệt tái định cư và đeo bám các sở, ngành, thành phố chấp thuận. Với những căn cứ hợp lý, hợp tình, thành phố đã đồng thuận phương án của huyện. Từ đó, vừa đảm bảo chỗ ở cho người dân, vừa đảm bảo tiến độ công trình vượt kế hoạch đề ra.

Sẵn sàng chia sẻ quỹ đất tái định cư với địa phương khác khiến quận 7 phải tính toán kỹ lưỡng quỹ đất phục vụ cho việc tái định cư các công trình dự án trên địa bàn. Song với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết, quận 7 đã mạnh dạn đề xuất, xin ý kiến thành phố và được thống nhất cao.

Theo Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái, trong công tác dân vận và giải quyết hồ sơ của người dân, cán bộ, công chức hai địa phương đều hợp tác tìm tòi, áp dụng các quy định có lợi nhất cho người dân. Tiêu biểu là diện tích nhà, đất bị ảnh hưởng ở hai địa phương được áp chung một mức giá đền bù, không phân biệt quận - huyện nên không tạo tâm lý so sánh như ở nhiều nơi khác.

Cùng với đó, vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên trong bàn giao mặt bằng và tham gia vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương chung của Nhà nước cũng được phát huy cao. Nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của hai địa phương mà hai dự án nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân, góp phần vào kết quả chung của tiến độ thi công công trình.

Theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, năm 2023 dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đây chính là căn cốt trong công tác dân vận của thành phố đã được các địa phương, đơn vị áp dụng chặt chẽ, mang lại hiệu quả trong các nhiệm vụ vận động nhân dân.

Tin cùng chuyên mục