Vị ngọt đất quê mình

Trái khóm dễ trồng, dễ chăm, cũng dễ chịu trong việc chế biến món ăn. Chợ quê, siêu thị, hay hàng rong ven đường, người ta cũng dễ dàng tìm mua trái khóm trong những ngày oi bức, kèm chút muối ớt rắc vào để thêm phần the the nơi đầu lưỡi.
Mùa thu hoạch khóm Cầu Đúc (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: LÝ ANH LAM
Mùa thu hoạch khóm Cầu Đúc (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: LÝ ANH LAM

Trong ngôn ngữ của thế hệ gen Z trên mạng xã hội có câu nói: “Hãy sống như một trái dứa. Đầu đội vương miện, dáng đứng hiên ngang. Bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào”… Đó là câu chuyện của trái dứa trên mạng, thực tế tùy vùng miền, mà loại trái này có hẳn 3 cái tên: trái dứa, trái thơm, hay trái khóm. Miệt vườn Tây Nam bộ, bao đời nay người dân quen gọi trái khóm, nói về vị giác, trái khóm mang lại cảm giác ngọt dịu và chua thanh nơi đầu lưỡi, mang đặc trưng trái cây miền nhiệt đới.

Đất phù sa, nơi chín cửa sông đổ ra biển lớn, miền Tây Nam bộ có làng trồng khóm hơn 100 năm, nơi đất phèn vẫn vươn mình trái ngọt vàng ươm. Làng trồng khóm Cầu Đúc nằm bên dòng sông Cái Lớn (thuộc xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) bên kia sông là xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Trái khóm Cầu Đúc dễ chịu đến độ, trồng ngay trên đất phèn vẫn hiên ngang “đầu đội vương miện”. Tên gọi khóm Cầu Đúc cũng mộc mạc như đất quê nhà, đến mùa thu hoạch, người dân vận chuyển khóm ở ruộng ra cầu đúc bằng xi măng bắc qua sông Cái Lớn (cầu Cái Tư hiện tại) để bán. Mối lái, bạn hàng, nhà vườn cứ quen miệng gọi mà thành tên khóm Cầu Đúc.

Xuôi dòng phù sa, xa hơn khóm Cầu Đúc là khóm Tắc Cậu được trồng ở các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Khóm Tắc Cậu được trồng xen với cây dừa và cây cau, trái ít bị ánh nắng tác động trực tiếp nên tròn đều, ít bị thon phần ngọn như những vùng trồng chuyên.

Trái khóm quê nhà chắt chiu vị ngọt dịu, thoảng chút chua thanh nhờ sự kết hợp của chất đất phù sa với chất mặn và chất phèn mà ít nơi nào có được. Lớp vỏ xù xì, nhiều mắt của trái khóm cũng là “thử thách” khéo tay cho cánh phụ nữ trong nhà. Sự phát triển của mua sắm trực tuyến, trái khóm quê nhà cũng chịu cạnh tranh với những loại khóm ngoại nhập, mà ưu điểm của trái xứ người thì dễ dàng gọt vỏ hơn. Hay các loại bánh mứt khóm ngoại nhập cũng cầu kỳ hơn hẳn so với mứt khóm sên bằng bếp củi - chảo gang ở chái bếp của má.

Nhưng có lẽ lớn lên từ đất quê, thấm đẫm lớp phù sa vun bồi, hay những đợt phèn mặn, trái khóm như thể chắt chiu trong mình vị ngọt của đất lẫn giọt mồ hồi dãi dầu của nhà nông. Một lần thử qua miếng khóm giòn, ngọt, chua thanh cùng lớp vỏ xù xì phải nhẫn nại gọt từng mắt…, mới thấm đẫm hết cái ngọt ngào của đất quê hương, cái tình thương của tía má.

Dặm dài năm tháng trong đời, trái khóm đôi khi là động lực để dẫu xa quê hay còn ngược xuôi, bộn bề, người ta vẫn hiên ngang “đầu đội vương miện” mà bước qua những lần gian khó. Cuộc đời đó, đôi khi phải nếm vị chua thanh rồi mới đọng lại những ngọt ngào, như đất quê mình dẫu phèn dẫu mặn vẫn đọng lại trái khóm tươi màu mơ ước nhà nông.

Tin cùng chuyên mục