
Chỉ trong vòng 2 tuần, TPHCM xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến hơn 500 người phải cấp cứu. Liệu có phải công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang còn nhiều bất cập là thắc mắc mà nhiều báo đài đặt ra tại buổi gặp gỡ với Cục Quản lý ATVSTP (Bộ Y tế) sáng 24-6.
Liên tiếp ngộ độc tập thể

Công nhân bị ngộ độc tập thể được cấp cứu tại BV Bình Chánh (TPHCM) ngày 11-6 vừa qua. Ảnh: Tg.Lâm
Sau khi dùng bữa ăn trưa gồm cá ngừ kho, canh chua rau muống… hàng loạt công nhân Công ty TNHH Minh Nghệ (phường Tam Bình, Thủ Đức) xuất hiện nổi mề đay, đau đầu, chóng mặt… Nhiều người trong số đó được đưa đi cấp cứu tại BV Thủ Đức.
Cùng thời điểm, cả trăm công nhân của Công ty TNHH sản xuất giày da Thượng Thăng (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) cũng phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa gồm cá ngừ kho, rau muống luộc, canh bí. Cả 2 vụ ngộ độc này xảy ra ngày 11-6 vừa qua khiến tổng cộng 350 công nhân phải cấp cứu.
Chỉ một ngày sau đó, thêm 2 vụ ngộ độc thực phẩm nữa xảy ra trên địa bàn quận Bình Tân và Tân Phú khiến 76 công nhân phải nhập viện. Và 2 ngày sau nữa là một loạt vụ ngộ độc thực phẩm khác…
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng quản lý ATVSTP Sở Y tế TPHCM, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6-2009, TP đã có tới 7 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. “Chưa lúc nào trên địa bàn TP lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm như vậy. Tình trạng này đang thực sự báo động đỏ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn công nhân” ông Hòa lo ngại.
Thực tế cho thấy, bình quân mỗi năm TPHCM xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và thường tập trung vào các tháng mùa nắng nóng, chưa kể hàng loạt vụ ngộ độc lẻ tẻ khác do ăn phải thức ăn đường phố… Điều đáng nói, hơn 50% vụ ngộ độc thực phẩm không tìm ra được nguyên nhân nên việc truy cứu trách nhiệm không đủ tính răn đe.
100 thanh tra không kiểm soát nỗi 1 cơ sở
Trước thực trạng mất ATVSTP vẫn tràn lan từ bếp ăn tập thể đến cơ sở kinh doanh, sản xuất, hàng rong… thời gian gần đây, đại diện báo Sức khỏe và đời sống cho rằng Cục ATVSTP vẫn còn lúng túng trong công tác quản lý, chưa thực sự kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm trên thị trường cũng như điều kiện ATVSTP của các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Còn bà Đặng Thị Vân An, Trưởng đại diện phía Nam Cục Báo chí, bức xúc vì người dân thực sự lo ngại trước nhiều loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh hiện nay vẫn nhan nhãn trên thị trường như các chất phụ gia độc hại, chất tẩy trắng trong bún, miến…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không quản lý xuể hàng trăm ngàn loại thực phẩm hiện nay trên thị trường mà đòi hỏi trách nhiệm của 3 bên: nhà nước - nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Theo ông Phong, hiện cả nước có tới hơn 496.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng không thể thanh kiểm tra hết và công tác hậu kiểm chia bình quân cũng chỉ mới đạt tỷ lệ rất thấp, như cấp phường- xã chỉ thanh kiểm tra đạt 0,2 lượt/năm; quận huyện là 0,7 lượt/năm và cấp tỉnh thành là 1,2 lượt/năm.
Biết rằng nguy cơ mất ATVSTP rất cao đối với nhiều loại thực phẩm nhưng ông Nguyễn Thanh Phong cũng thừa nhận cơ quan quản lý không thể thanh kiểm tra mãi được. “Một cơ sở sản xuất giò chả cố tình vi phạm bằng cách cho nắm hàn the vào thì liệu có ông thanh tra nào ngồi mà canh chừng suốt ngày”, ông Phong nói.
Chính vì vậy, trách nhiệm ý thức vì sức khỏe cộng đồng của doanh nghiệp được ông Phong đề cao hơn cả. Ông nói: “Nếu một cơ sở không có trách nhiệm thì dù 100 thanh tra cũng khó mà kiểm soát nỗi”.
Không nhất trí với ý kiến này, đại diện báo Tuổi Trẻ cho rằng chính mức độ xử phạt trong lĩnh vực ATVSTP chưa đủ răn đe nên mới xảy ra tình trạng 100 ông thanh tra không xử lý được 1 cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm!
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong cũng khẳng định mức xử phạt theo Nghị định 45 trong lĩnh vực y tế chưa đủ mạnh mặc dù có các hình thức xử phạt bổ sung như rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, còn chuyển sang truy tố hình sự thì vẫn ít.
Tường Lâm