Về trường hợp bệnh nhân 994 tại Hà Nội (là bệnh nhân nam, 87 tuổi, quê tại Phú Thọ) đã công bố tại bản tin 6 giờ sáng ngày 20-8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20-8, TS Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là trường hợp khó, do bệnh nhân không có tiền sử đi từ vùng dịch về, không liên quan tới các ổ dịch, cũng như không tiếp xúc với những người mắc /nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Vì lẽ này, các cơ quan chức năng đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch ngay trong đêm 19-8, rạng sáng 20-8. Đồng thời, trường hợp này cũng cần được kiểm chứng lại bằng nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau.
Trong đêm 19-8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã lấy mẫu bệnh phẩm 63 người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần của bệnh nhân 994 tại Bệnh viện E, đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đặc biệt, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển sang từ Bệnh viện E vào tối 19-8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.
Tới sáng 20-8, bệnh viện tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lại lần 2 để xét nghiệm khẳng định, đồng thời chuyển mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bằng các kỹ thuật khác. Tất cả các lần xét nghiệm này của 2 đơn vị đều cho kết quả bệnh nhân 994 âm tính với virus SARS-COV-2
Với kết quả xét nghiệm khẳng định của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế đã quyết định rút trường hợp bệnh nhân 994 ra khỏi danh sách những người bị nhiễm virus SARS-COV-2. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, đây là một trong những trường hợp đáng lưu ý đối với các bệnh viện khi bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát như một ca nghi nhiễm Covid-19.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhận định, qua trường hợp ca bệnh 994 trên, hệ thống y tế đã phản ứng rất nhanh chóng. Với tinh thần công khai minh bạch và chủ động ứng phó với dịch Covid-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo để các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai các hoạt động khoanh vùng, cách ly, phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế đã cử Đội cơ động chống dịch đến ngay Bệnh viện E để chỉ đạo các biện phòng chống dịch. Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Phú Thọ cũng đã nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiến hành cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Bệnh viện E tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân trong đêm 19-8 để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bệnh nhân 994 (L.B.N., 87 tuổi) có địa chỉ thường trú tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Ngày 12-8, ông đi khám tại Bệnh viện E (Hà Nội), sau đó về nhà người thân ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 13-8, ông nhập viện khoa Gan mật, Bệnh viện E. Kết quả chụp CT cho thấy có hiện tượng viêm phổi, người này được chuyển đến khoa Bệnh nhiệt đới. Tối 19-8, ông được chuyển từ Bệnh viện E sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính (do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện). Từ 20 giờ ngày 19-8, Bệnh viện E thông báo tạm dừng khám, chữa bệnh. Sáng 20-8, Bộ Y tế công bố bệnh nhân này là ca mắc 994 của Việt Nam. Cũng trong sáng 20-8, các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh này đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. |
Đề cập tới việc bệnh nhân 994 vừa có kết quả dương tính sau đó nhanh chóng âm tính với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, kết quả âm tính có thể do bệnh nhân được lấy mẫu ở vị trí không có virus. Vì thế, việc xét nghiệm cho trường hợp này cần thận trọng và chờ kết quả lần tiếp theo.
Trong khi đó, bác sĩ Vũ Thị Thu Hương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, xét nghiệm RT-PCR là xét nghiệm khẳng định một người có mắc Covid-19 hay không? Với xét nghiệm này, mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
"Kết quả của xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào diễn biến bệnh, tức mẫu bệnh phẩm được lấy vào giai đoạn nào của bệnh. Chẳng hạn, thời gian lấy mẫu là khi mới nhiễm virus, xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả âm tính. Thậm chí, khi lấy mẫu bệnh phẩm vào giai đoạn sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, xét nghiệm RT-PCR cũng cho âm tính..."- bác sĩ Vũ Thị Thu Hương lý giải. |