Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị mức án cho 4 nhân viên Công ty Alibaba

Đầu giờ chiều ngày 27-11, trong phiên xét xử buổi chiều, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố bản luận tội và đề nghị xử phạt đối với 4 bị cáo, là nhân viên của Công ty Alibaba về hai hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng".
Các bị cáo chờ tuyên án
Các bị cáo chờ tuyên án

Cụ thể: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản"; 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm tù về tội "Gây rối trật tự công cộng"; tổng hợp hai hình phạt là 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm 6 tháng tù.

Trần Quốc Tĩnh bị đề nghị mức án từ 9 đến 12 tháng tù về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản"; 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng"; tổng hợp hai hình phạt là từ 3 năm 9 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù.

Phan Quỳnh Long và Huỳnh Ngọc Thiện cùng bị đề nghị xử phạt 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm 3 tháng tù cho 2 tội danh "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng".

Như tin đã đưa, trong sáng 27-11, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 nhân viên của Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) gồm: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, HKTT: huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); Trần Quốc Tĩnh  (24 tuổi, HKTT: quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng); Huỳnh Ngọc Thiện (23 tuổi); Phan Quỳnh Long (22 tuổi, cùng ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Sau khi đại diện Viện kiểm sát đọc xong cáo trạng, tại phần xét hỏi, bị cáo Tĩnh cho rằng mình không nhận chỉ đạo đập phá xe cuốc của đoàn cưỡng chế.

Riêng bị cáo Trinh có ý kiến cho rằng mình không gây rối trật tự công cộng mà chỉ có hành vi không đúng chuẩn mực. Ban đầu Trinh chối bỏ việc nhận chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba đến thị xã Phú Mỹ để giải quyết vụ việc nhưng sau đó HĐXX đã công bố những tin nhắn trao đổi của Trinh với lãnh đạo Công ty Alibaba về việc tổ chức đưa nhân viên xuống thị xã Phú Mỹ gây rối, biểu tình thì Trinh mới thừa nhận.

Khi được hỏi về tính pháp lý của "dự án ma” Khu dân cư Alibaba Tân Thành Center 5, Trinh khai báo mình chỉ là nhân viên tư vấn luật của công ty, không rõ tính pháp lý của dự án nên khi được thông báo là dự án của công ty gặp chuyện thì Trinh được cử đi giải quyết.

Hội thẩm nhân dân cho rằng, mặc dù là người có trình độ, hiểu biết pháp luật nhưng Trinh vẫn quanh co chối cãi, chưa thành khẩn khai báo.

Tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Trinh đề nghị công bố văn bản “mật” của UBND thị xã Phú Mỹ và căn cứ vào văn bản này, luật sư cho rằng quá trình cưỡng chế không đúng trình tự thủ tục pháp luật, do đó các bị cáo phạm tội gây rối là chưa thành. Nếu truy tố các bị cáo thì phải truy tố cả đoàn cưỡng chế. Riêng hành vi đập phá tài sản của các bị cáo là sai.

Đại diện VKS cho rằng dự án của Alibaba xây dựng trái phép là rất rõ ràng, các vấn đề khác liên quan đến dự án đang được CQĐT Công an TPHCM tiếp tục làm rõ. Không nên bàn lại vấn đề cưỡng chế đúng hay sai mà cần đi vào trọng tâm là các hành vi sai trái của các bị cáo.

Chuẩn bị kết thúc phần tranh luận, bị cáo Trinh nói lời sau cùng xin lỗi vì các hành vi không đúng chuẩn mực trong khuôn khổ pháp luật, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tĩnh, Long, Thiện nói việc đập phá xe cuốc là sai, các bị cáo mong muốn được tha thứ, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo về đoàn tụ với gia đình.

HĐXX tuyên bố nghị án vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày.

Tin cùng chuyên mục