Phạm Kim Anh

Viết kịch bản “Gặp nhau cuối tuần” không dễ

Viết kịch bản “Gặp nhau cuối tuần” không dễ

“Gặp nhau cuối tuần” là chương trình có nhiều người theo dõi. Khen nhiều và chê cũng lắm. Đây có thể là nơi thử thách của người viết kịch bản, đạo diễn chương trình và nghệ sĩ biểu diễn. Trong đội ngũ những người viết kịch bản cho “Gặp nhau cuối tuần”, Kim Anh là cây bút trẻ gây ấn tượng.

Tôi đến với “Gặp nhau cuối tuần” từ khi học năm thứ 3 Trường Viết văn Nguyễn Du, cũng từ sự ngẫu hứng như bao sự ngẫu hứng khác của một người viết văn! Thực tình ban đầu tôi không biết viết một kịch bản “Gặp nhau cuối tuần” thì phải viết như thế nào. Tôi lân la đến Hãng Phim truyền hình, may mắn là gặp được đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Xin một vài kịch bản về đọc. Rồi thử, rồi thích, rồi say mê, gắn bó với chương trình.

- Kịch bản đầu tay có khổ… như thơ hay nhọc nhằn như truyện ngắn không?

Viết kịch bản “Gặp nhau cuối tuần” không dễ ảnh 1

- Vận may là kịch bản đầu tiên. Kịch bản vào tay hai “ông bố”, đạo diễn Hoàng Lâm và Đỗ Đức Thành dàn dựng. Kịch bản phải sửa đi sửa lại đến... gẫy ngòi bút. Hai đạo diễn “chăm sóc” quá chu đáo, được ý người này lại chệch suy nghĩ của người kia.

Trăm dâu đổ đầu người biên kịch, chỉnh, sửa, thêm chỗ này, bớt chỗ kia. Lần đầu tiên viết kịch bản cũng là lần đầu tiên biết thế nào là... bở hơi tai! Đến khi kịch bản được phát sóng, nhiều người chê khủng khiếp. Người trong nghề thì chê ít vì cho rằng kịch bản đầu tay, ngoài nghề chê nhiều hơn vì nó không được “cười” lắm mà cứ thấy gượng gạo, khiên cưỡng. 

- Nhưng nhất định không dừng lại ở đó?

- Vâng (cười). Kịch bản Dịch vụ mùa thi là cái thứ hai. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên không hiểu rõ thí sinh từ các tỉnh về Hà Nội, trên đường đi, tìm nhà trọ, đường đến trường thi như thế nào. Tôi lại lân la đến các nhà trọ làm quen các sinh viên ở tỉnh ra. May mắn, các bạn kể hết cho nghe. Nghe không kịp ghi nữa. Về nhà lại phải nhớ lại, chép lại rồi tưởng tượng thêm. Rồi khi viết lại phải tung hê các từ ngữ như: thoải con gà mái, cướp trên giàn mướp, đơ trên ống bơ…

- Ngoài sự cảm thông với bạn trẻ từ quê ra tỉnh đi thi, còn có những góc khuất nào khác mà vẫn là từ quê ra tỉnh?

- Mấy năm trước, đọc báo thấy các công ty được phép sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng lợi dụng chiếm đoạt tiền của nhà nước bằng việc hoàn trả thuế. Việc thành lập ồ ạt các công ty đó đã nảy sinh ra một nghề mới đó là nghề làm giám đốc. Tôi viết kịch Nghề làm giám đốc, đối tượng được đưa vào là nông dân. Có kịch bản, nhiều đoạn thay vì tình huống bằng phỏng vấn, lại phải bịa ra câu hỏi, bịa ra câu trả lời cho khớp, cho hợp với cách ăn cách nói…

Mỗi chương trình là một vấn đề. Tìm được vấn đề đã khó, xử lý nó thành tiểu phẩm lại càng khó khăn hơn. Kịch bản viết xong rồi lại hồi hộp đến đứng tim, chờ xem nó được giao cho đạo diễn nào, được “xào nấu” ra sao.

Đến lúc phát sóng, xem chính chương trình của mình lý ra thì cười, mà cuối cùng lại khóc. Bởi đạo diễn, người thế này, người thế kia, có người ăn ý, có người không. Khi phát sóng, kịch bản hay thì có người khen, dở thì lắm người chê, nhưng trên bảng générique mấy ai để ý đến cái tên người viết!

- Đằng sau sự kiếm sống bằng kịch bản, còn điều gì Kim Anh muốn nói?

- Nhuận bút mỗi kịch bản bây giờ là 3 triệu, tôi cũng sống được với nghề. Đằng sau những tiếng cười giải trí là nỗi đau của người viết, là khát vọng về cuộc sống và ngày mai tươi đẹp hơn…

NGUYỄN VĂN NINH

Tin cùng chuyên mục