Thành lập từ tháng 11-1981, Hội Nhà văn TPHCM năm nay vừa tròn 25 tuổi. Nhìn lại chặng đường phát triển của hội, các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, nhà thơ Lê Thị Kim tâm tình một chút về chuyện nghề, chuyện đời sống văn học…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Hội Nhà văn TPHCM phát triển đa dạng
Hội Nhà văn TPHCM có một điểm rất lạ, rất riêng so với nhiều Hội Nhà văn khác trong cả nước, đó chính là sự đa dạng. Hội tập hợp đủ các nhà văn đến từ mọi miền đất nước: Hà Nội, Huế, Nghệ An, Đà Nẵng… và dĩ nhiên không thể thiếu các nhà văn gốc Nam bộ. Chính nhờ sự đa dạng về con người đã kéo theo sự đa dạng về sáng tác.
Mỗi nhà văn khi đến với Hội Nhà văn TPHCM đã mang theo mình những dấu ấn riêng, những đặc điểm của từng địa phương tạo nên một tập hợp nhiều màu sắc của mọi miền trên khắp đất nước. Không chỉ tạo nên sự đa dạng, các bản sắc văn học này sau một thời gian gặp gỡ đã hòa quyện vào nhau, từ đó hình thành nên một dòng văn học riêng mang đặc thù của thành phố.
Dòng văn học này vừa có cái chung của 3 miền lại vừa có cái riêng mà chỉ ở TPHCM mới có. Chính nhờ có sự giao thoa và phát triển đó, qua 25 năm tồn tại, Hội Nhà văn TPHCM đã đóng góp rất lớn cho nền văn học Việt Nam với nhiều giải thưởng về văn học.
Trải qua 25 năm tồn tại, Hội Nhà văn TPHCM đã chứng tỏ một ưu điểm khá rõ của mình là sự phóng khoáng, rộng rãi về mặt quan điểm, chính điều này đã góp phần giúp hội tìm được nhiều cây bút mới tạo ấn tượng trên văn đàn.
Nhà văn Lê Văn Thảo (Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM): Đổi mới phải có ý nghĩa chứ không chỉ là cái lạ
Thực sự hoạt động hội luôn có sự nối tiếp, từ những ngày đầu với thế hệ các nhà thơ, nhà văn Xích Điểu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường, Trần Kim Trắc, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Nguyễn Quang Sáng v.v… đến lớp nhà thơ, nhà văn trưởng thành sau ngày miền Nam giải phóng. Hiện nay chính lớp nhà văn trung niên đang đóng vai trò chủ lực. Do đời sống xã hội thay đổi, văn hóa đọc bị nhường bước trước những phương tiện nghe nhìn, nhưng tôi tin rằng thế hệ nhà văn trẻ sau này sẽ biết điều gì họ sẽ làm, sẽ gắn bó. Tất nhiên khi kinh tế thay đổi, văn chương cũng sẽ thay đổi. Thông thường 100 năm là đã thấy sự thay đổi của văn chương. Mỗi thế kỷ văn học đều có dấu ấn riêng của nó, cái mới luôn xuất hiện để khẳng định mình. Lớp nhà văn trẻ bây giờ ít nhiều đều bộc lộ sự tìm tòi đáng khích lệ của họ qua tác phẩm, qua đời sống văn học. Họ không muốn đi vào lối mòn của người đi trước. Nhưng đổi mới phải có ý nghĩa từ nội dung, từ truyền thống chứ không phải là đi tìm cái khác lạ, cái quái dị. Các nhà văn trẻ có đủ điều kiện, trình độ văn hóa, có sự giao lưu với văn học thế giới và viết thường không gò bó nhưng họ lại thường không tập trung cho văn chương mà sống bằng những nghề khác. Văn chương được coi là nghề phụ. Mà văn chương nếu không chuyên tâm thì sẽ rất khó có được những tác phẩm giá trị.
Vấn đề sáng tác trong thời đại hội nhập, hiện nay hội cũng rất quan tâm. Trong sáng tác, chúng ta vừa viết vừa suy ngẫm những vấn đề của cuộc sống xã hội đương đại. Đôi khi từ cuộc sống xã hội của Việt Nam, chúng ta lại quan sát, đối chiếu với đời sống các nước khu vực qua văn học. Về hoạt động hội, về giải thưởng văn học cũng nên “tham khảo” họ chút nào chăng? Tham dự Hội nghị các nhà văn ASEAN ở Malaysia vừa qua, chúng tôi rất thú vị về vấn đề xét giải thưởng văn học quốc gia hàng năm, giải thưởng mang tên “Vì con người” ở đất nước này. Hóa ra ở Malaysia 8 năm liên tục, Hội đồng bình chọn vẫn chưa tìm thấy tác phẩm nào xuất sắc. Họ cho rằng chưa có được thì thôi. Không nhất thiết phải gò gẫm.
Nhà thơ Lê Thị Kim: Cái hay, cái đẹp sẽ còn lại với thời gian
Có thể tôi hơi tản mạn một chút về chuyện nghề. Thơ văn chính là cái nghiệp, “Đã mang cái nghiệp vào thân”. Đã bảo đó là cái nghiệp thì nó luôn đeo bám mình, có khi dứt cũng chẳng ra, nữa là thật sự người ta không muốn dứt. Bởi đó đôi khi chính là lẽ sống, là sự thanh thản, thoải mái của tâm hồn khi ta muốn dàn trải nhất, tỏ bày nhất, chiêm nghiệm nhất trong sự bức xúc, trong sự cô đơn nhất của tâm hồn mình. Tất nhiên nếu điều chỉnh tốt cuộc sống, để có thể luôn nuôi trong mình được ngọn lửa văn chương là điều tuyệt vời nhất. Và, còn chuyện nữa, vì “cơm áo không đùa với khách thơ”, cho nên các nhà thơ nữ đều sống nhờ một nghề khác như Phạm Thị Ngọc Liên, Tôn Nữ Thu Thủy, Khánh Chi, Thường Đoan, Kim Cúc… đều viết báo hoặc làm nghề báo; Hồng Duệ, Bích Ngân, Hồng Cầu làm ở nhà xuất bản; Thanh Nguyên làm việc ở Nhà văn hóa quận 3; Lưu Thị Lương dạy học v.v… Về cái mới trong sáng tác hiện nay, tôi cho rằng người sáng tác được hoàn toàn tự do thể nghiệm trong suy nghĩ, trong văn chương. Họ có thể bứt phá, thử nghiệm bản thân mình. Nhưng vấn đề là điều thử nghiệm cá nhân đó có cần cho ai không và mức độ cần thiết là chừng nào và đến đâu thì lại là chuyện khác. Thời gian sẽ trả lời. Luôn luôn những điều hay, đẹp sẽ được gìn giữ và những điều không tương xứng sẽ tự đào thải.
TƯỜNG VÂN - YÊN NGỌC