
Chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - ông Jonathan Pincus - đã đưa ra nhận định tổng quát trên về tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam trong 5 năm tới. Theo lời ông, thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam là làm thế nào để duy trì mức tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm bớt những chênh lệch về xã hội. Đó là những nội dung chính được ông Jonathan Pincus đề cập trong cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên SGGP.

Chuyên gia kinh tế trưởng UNDP Jonathan Pincus.
- PV: Năm 2005, kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại sau chu kỳ tăng trưởng. Theo ông, kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng của chu kỳ chững lại của kinh tế thế giới?
- Ông Jonathan Pincus: Năm 2005, Việt Nam cũng phải chịu tác động khá lớn từ sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bằng nguồn lực nội sinh ổn định cộng với những chính sách kinh tế đúng đắn, Việt Nam vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng trên 8% - mức tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
- Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng giảm trong năm 2005. Tuy nhiên, trong năm 2005, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 6 tỷ USD; còn vào cuối năm 2005, kết thúc hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, mức vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết dành cho Việt Nam trong 2006 cũng đạt mức kỷ lục 3,75 tỷ USD. Ông có bình luận gì về sự kiện này?
- FDI vào Việt Nam năm 2005 tăng gần 2 tỷ USD so với 2004, và cam kết tài trợ vốn ODA đạt 3,75 tỷ USD cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều bất ổn và phức tạp, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy ở Việt Nam một môi trường ổn định và có lợi nhuận khi tham gia đầu tư. Nhật Bản là ví dụ điển hình về việc đầu tư vào Việt Nam. Cũng cần phải nói thêm rằng, Hoa Kỳ cũng là một nhà đầu tư có tăng trưởng nhanh ở Việt Nam nếu xét cả các khoản đầu tư thông qua đối tác thứ 3.
- Ở khía cạnh khác, theo chuẩn nghèo mới, hết năm 2005, Việt Nam còn 20% số hộ nghèo. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế quốc tế lại cho rằng, số hộ nghèo ở Việt Nam là 30%. Ông lý giải gì về sự khác biệt này?
- Có một số tài liệu xếp tỷ lệ hộ nghèo dựa trên thu nhập bình quân đầu người. Căn cứ vào mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam trên 500 USD/năm thì một số chuyên gia có thể tính toán số hộ nghèo ở Việt Nam là 30%. Tuy nhiên, xét tổng thể cả thu nhập, sức mua tương đương và chế độ an sinh xã hội, thì chỉ số 20% số hộ nghèo ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
- Theo ông trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cần ưu tiên cho mục tiêu phát triển nào?
- Trong 5 năm qua và rộng hơn là kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã tạo điều kiện cho những khả năng tiềm tàng và sức sáng tạo của người dân được phát huy khá tốt. Bước chạy đà vững chắc này đã và sẽ tiếp tục mang đến cho Việt Nam cơ hội lịch sử để đổi thay. Việt Nam đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển mới của sự thịnh vượng về kinh tế và tiến bộ xã hội, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn mới (2006-2010).
Và tất nhiên để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải hướng sự phát triển mạnh mẽ hơn vào nhóm người nghèo. Mục đích này không phải chỉ đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn mà chính là sự tăng cường bình đẳng cho tất cả các nhóm dân cư cùng được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, với những khả năng phi thường của mình, Việt Nam sẽ thành công trên con đường phát triển như vậy.
- Ông đánh gia thế nào về cơ hội của Việt Nam gia nhập WTO trong năm 2006?
- Việt Nam không nên kỳ vọng việc gia nhập WTO sẽ là “bầu sữa” để được hưởng lợi. Nhiều quy định của WTO dường như không hoàn hảo; WTO là tổ chức của phần lớn các nước giàu và nước giàu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Thế nhưng, theo tôi, Việt Nam cũng không nên quá đề cập đến cái mất trong WTO. Dù sao, khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Ở Việt Nam tôi mới nhận thấy, trong những lúc khó khăn nhất, người dân Việt Nam lại có sức bật phi thường. Mục tiêu gia nhập WTO của Việt Nam trong năm 2006 là khả thi.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN NGHĨA