Thể hiện năng lực chèo lái ASEAN
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Indonesia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Ade Padmo Sarwono nhìn nhận, với tư cách là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Việt Nam đã thể hiện năng lực và khả năng lãnh đạo, chèo lái ASEAN trong thời điểm thách thức chưa từng thấy này.
Việt Nam cũng cần đảm bảo duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực vốn đang chứng kiến sự ganh đua, cạnh tranh giữa các cường quốc. Do vậy, chủ đề của năm Chủ tịch 2020 của Việt Nam “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là rất phù hợp và chính xác.
Góp phần nâng cao vị thế của ASEAN
Nói về đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong 1/4 thế kỷ qua cũng như sự phối hợp Việt - Nga trong khuôn khổ ASEAN, chuyên gia Nga Grigory Pavlovich Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Ý tưởng Á - Âu khẳng định, Việt Nam đóng vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của ASEAN trong 25 năm qua. Việt Nam đã chứng tỏ mình không chỉ là một thành viên có trách nhiệm của ASEAN, mà còn là đầu tàu của tổ chức uy tín này. Dư luận ở Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu đều có chung nhận định rằng Việt Nam đang góp phần nâng cao vị thế của ASEAN, quảng bá hình ảnh của tổ chức này ra thế giới bên ngoài và trên phạm vi quốc tế. Ông Grigory Trofimchuk cho rằng “không chỉ Nga cần phải cảm ơn, mà chính ASEAN cũng cần cảm ơn Việt Nam về việc này”. Ông Trofimchuk khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN, cũng như đưa ra các giải pháp hòa bình, mang tính xây dựng đối với các vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Đánh giá về sự phối hợp hành động giữa Việt Nam và Nga trong các vấn đề liên quan đến ASEAN, chuyên gia Trofimchuk cho rằng Việt Nam đã giúp đỡ Moscow rất nhiều để có được sự hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN và thúc đẩy các lợi ích của Nga ở khu vực này. Nhờ có hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, Liên minh Kinh tế Á - Âu đã mở rộng đôi cánh của mình đến khu vực Đông Nam Á. Theo chuyên gia Nga, cần mở rộng tối đa khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước ASEAN, tạo ra một sân chơi ổn định cả về kinh tế và an ninh.
Nhận định về vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Giáo sư Ryo Ikebe, một chuyên gia về thương mại quốc tế của Đại học Senshu (Nhật Bản) cho rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước đi đầu trong các hiệp định thương mại tự do. Do vậy, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia tập hợp tiếng nói của 10 nước thành viên ASEAN và cô đọng các nội dung đàm phán. Việt Nam đang phát huy được năng lực phát ngôn lớn hơn. Trong thời điểm xuất hiện một số quốc gia đi ngược lại chủ nghĩa thương mại tự do (như Mỹ, Anh) và chủ nghĩa bảo hộ gây quan ngại đối với trật tự thương mại thế giới, RCEP, với trung tâm là châu Á, nếu được các nước ký kết, có thể quảng bá cho thế giới thấy hình ảnh khu vực châu Á tiến tới thương mại tự do.