Không chỉ riêng làng Thu Quế (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) mới sử dụng hàng loạt loại hóa chất “lạ” nhập lậu từ Trung Quốc để thúc cho hoa quả chín theo mong muốn (Báo SGGP ngày 22-11 đã phản ánh) mà hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này đã trở nên rất tràn lan, phổ biến. Trong khi các nhà khoa học đều khuyến cáo rằng thuốc thúc chín rất độc hại, không nên sử dụng.
Hoa quả ủ thuốc: Bán khắp nơi
Bà H.- một chủ buôn hoa quả cỡ lớn ở chợ Long Biên (Hà Nội) - tiết lộ: Hiện trên thị trường đang có 2 loại hoa quả, một là của Trung Quốc (nhập về qua ngõ Lạng Sơn) và hai là của người dân trong nước trồng được. Nhưng dù loại nào thì đều phải đưa về chợ Long Biên trước khi tung ra thị trường (rất ít hộ tự trồng và mang thẳng về các chợ hoặc bán rong, bán lẻ).
Đối với hoa quả trong nước thì trước khi đưa về chợ đầu mối, các lái, chủ hàng ở các làng quanh Hà Nội - trong đó chủ yếu ở Văn Giang (Hưng Yên) và Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội) - đã sử dụng thuốc để ủ chín trái cây rồi. Ngay các chủ buôn hoa quả ở chợ Long Biên nếu cần cũng có thể dùng hóa chất để ủ cho hoa quả chín sớm và sử dụng hóa chất để bảo quản quả được tươi lâu hơn.

Một phụ nữ đang chở cả sọt chuối chín vàng ươm từ vùng Hoài Đức-Đan Phượng về nội thành Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài làng Thu Quế, hiện nay nơi được coi là “tổng kho” hoa quả lớn thứ hai ở Hà Nội (chỉ sau chợ đầu mối Long Biên) là chợ Sấu Giá-Quế Dương nằm ven sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội chỉ 20km.
Từ nhiều năm nay, ở đây đã có hàng trăm chủ buôn hoa quả cỡ lớn chuyên tỏa đi thu mua hoa quả ở các tỉnh miền núi phía Bắc đưa về xuôi.
Theo thống kê của UBND xã Dương Liễu, hiện cả xã có hơn 100 xe tải chuyên phục vụ thu mua hoa quả. Mỗi đêm, hàng chục tấn hoa quả từ khắp các nơi đổ dồn về chợ và sau đó lại được tuồn ra Hà Nội hoặc đi sâu hơn vào miền Trung và tận miền Nam.
Khi PV Báo SGGP có mặt ở đây để hỏi mua loại thuốc thúc chín hoa quả, không người dân nào là không biết loại hóa chất trên và có thể chỉ rõ từng đại lý đang bày bán.
Một chủ đại lý phân đạm, thuốc trừ sâu ở đầu cầu Đậu, bảo: “Cứ 3-4 ngày nhà tôi lại phải nhập về một mẻ vì hoa quả dồn về nhiều lắm”. Chị ta hướng dẫn tôi nếu cần có thể tìm mua lại thuốc ủ chín từ các đại lý hoa quả trong chợ, còn hàng của chị ta thì vẫn đang trên đường từ Lạng Sơn về.
Theo những người buôn hoa quả ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, thì thuốc “Ethrel” có thể ủ chín bất cứ loại hoa quả nào. Hiện nay bên cạnh chuối, đu đủ và dứa thì loại quả cần phải thúc cho chín nhanh theo mong muốn là hồng xiêm.
Do hồng xiêm có đặc điểm không thể để chín trên cây nên buộc phải trẩy quả xanh về dấm, nên để cho quả nhanh chín, buộc phải dùng chất kích thích và khi trẩy, người mua thường hái cả quả xanh, quả già. Trước đây, cách ủ truyền thống là cầm từng quả rửa trong nước vôi, sau đó chờ khô rồi cho vào thùng, chum, vại để xông hương.
Nhưng bằng cách này rất lâu (mùa rét cũng chừng 3-4 ngày) lại chín không đều, xấu mã. Bởi vậy, theo ông Vinh, một chủ vườn hồng xiêm trong làng Xuân Đỉnh tiết lộ thì các chủ buôn ở đây thường mua dung dịch thuốc ủ của Trung Quốc về pha vào chậu, sau đó đổ cả loạt hồng xiêm vào ngâm, rửa khoảng vài tiếng là mang lên hong cho khô, sau đó tấp vào một góc nhà, che bao tải, túi nylon sau một đêm là hồng chín đỏ đều nhau.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP thì không chỉ riêng các loại hoa quả mà ngay cả cà chua (sản phẩm có trữ lượng tiêu thụ lớn trên thị trường) cũng chủ yếu được thúc chín bằng hóa chất.
Ông Kiên, một chủ trang trại chuyên trồng cà chua ở xã Tráng Việt (Mê Linh) kể: “Từ khi còn trên cây, cà chua đã được phun đủ loại thuốc kích thích để quả mau lớn, đều nhau, da bóng. Tuy nhiên, đặc điểm của cà chua là chín không đều nên sau khi trẩy về, để bán cả lượt, các lái buộc phải sử dụng thuốc để thúc chín”.
Khó kiểm nghiệm?
Khi được hỏi về tình trạng sử dụng hóa chất để thúc chín hoa quả, ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định đó là sự thật và đi ngược lại quy luật sinh trưởng. Theo ông, đến nay, việc nghiên cứu về loại hóa chất “lạ” chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, song chắc chắn là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, bởi theo ông, trên bao bì của loại thuốc “Ethrel” đã ghi là “có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích với mắt và da nên cần tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc”.
Trả lời câu hỏi vì sao cho đến nay, mặc dù cơ quan chức năng đã từng thu thập một số mẫu “Ethrel” đi phân tích, kiểm định song lại không thể đưa ra kết luận cụ thể, một cán bộ của Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật miền Bắc cho rằng, trách nhiệm chính trong việc kiểm soát hóa chất bảo quản cũng như thúc chín trái cây là của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), song hiện việc kiểm nghiệm rất khó khăn.
Trước tình hình trên, chiều qua, 22-11, ông Bùi Sỹ Doanh - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, ngay sau đợt ra quân kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau Trung Quốc, cục sẽ triển khai việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có Ethrel như dư luận đang lo ngại và sẽ chỉ đạo các chi cục ở địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tịch thu toàn bộ các lọ, hộp “Ethrel”.
Không nên dùng “thúc chín tố” Tên phiên âm của loại hóa chất này là “thúc chín tố”- một hợp chất hữu cơ do nhiều xí nghiệp khác nhau ở Trung Quốc sản xuất. Loại mà người dân ở nước ta đang sử dụng là nhập lậu, được đóng trong lọ 5ml và không được phép sử dụng. Đây là một chất có tính acid và dễ bị ôxy hóa khi để ngoài không khí. Theo kết quả thử nghiệm thì hoa quả sau khi dùng “thúc chín tố” sẽ làm cho hoa quả mau chín, màu sắc rất đẹp còn hơn chín cây tự nhiên nhưng ăn thì chất lượng và hương vị thua xa, lại mau bị thối, nẫu. Các nhà khoa học khuyến cáo là không nên dùng. |
VĂN PHÚC HẬU
* Thông tin liên quan: