Vĩnh biệt người cộng sản kiên trung đất Quảng

Ấn tượng không quên
Vĩnh biệt người cộng sản kiên trung đất Quảng

Chiều 11-9, trời đổ mưa tầm tã nhưng vẫn không ngăn được dòng người vào Hội trường Thống Nhất tiễn biệt lần cuối Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Lẫn trong dòng người ấy là những cựu chiến binh, người dân từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam vượt đường dài để được nhìn khuôn mặt hiền từ của anh Năm, chú Năm Công của họ lần cuối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia buồn cùng gia đình đồng chí Võ Chí Công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia buồn cùng gia đình đồng chí Võ Chí Công.

Ấn tượng không quên

Hòa trong dòng người đến viếng đồng chí Võ Chí Công, cụ bà Trần Thị Phớt, một người dân đang sống tại quận 10, TPHCM, run run thắp cho người đồng hương, người thủ trưởng cũ của mình nén nhang với lời thì thầm khấn nguyện: “Con bé giao liên năm xưa đến thăm anh đây”.

Biết đồng chí Võ Chí Công từ những năm 1940, khi còn là một cô bé nữ sinh học tại Trường Đồng Khánh, bà nhớ lại: “Gia đình tôi tại làng Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có một thời gian vinh dự được đồng chí chọn là nơi bí mật để hoạt động cách mạng. Lúc đó, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập, đồng chí được bầu làm Bí thư. Thỉnh thoảng tôi được đồng chí nhờ làm giao liên chuyển tài liệu, dẫn đường cho anh em. Tôi nhớ có lần thấy hai mẹ con tôi bàn nhau may cờ Tổ quốc, đồng chí cười chỉ: “Em ra chợ mua vải, mua mỗi hàng một ít một rồi mình về ghép vào. Đừng mua nhiều tụi mật thám sinh nghi thì nguy hiểm cho gia đình lắm”. Dù ở chức vụ cao, bận nhiều việc nhưng đồng chí luôn dành thời gian quan tâm, lo lắng cho những đồng chí đồng đội của mình”.

Thắp nén nhang tưởng nhớ người anh, người thủ trưởng cũ của mình, nhà văn Đoàn Minh Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tôi gặp anh Năm vào cuối mùa đông năm 1974 ở Liên khu 5. Anh Năm rất quan tâm đến văn nghệ sĩ. Những năm chống Mỹ ác liệt, có lần đoàn văn công tập dợt chương trình để chào mừng Đại hội Đảng bộ khu có mời anh Năm đến tham dự. Lần đó anh bị bệnh, những cơn sốt rét rừng triền miên khiến chân run run bước không nổi, nhưng anh vẫn nhờ anh em bảo vệ cáng anh trên chiếc võng để đến xem và cổ vũ. Anh xem từng tiết mục, nghiền ngẫm, góp ý sửa chữa. Anh biết tôi nhận nhiệm vụ trưởng đoàn vũ trang tuyên truyền khu tại mặt trận Tây Nguyên là rất khó khăn. Phải vừa hành quân vừa len lỏi vào các khu dồn dân của giặc, vừa chiến đấu vừa tuyên truyền trong nhân dân. Anh gọi tôi lên dặn dò một câu mà tôi nhớ đời: “Vũ trang nhưng không có nhân dân thì làm sao giữ được chính quyền”. Ghi nhớ lời khuyên của anh, đoàn chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bài vở gửi về đài giải phóng kịp thời, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế”.

Tấm gương để lại

Sau khi viếng và chia buồn cùng người thân đồng chí Võ Chí Công, ông Trương Thanh Hà, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu 5, người đã có thời gian làm việc, gắn bó với đồng chí Võ Chí Công tại Khu 5, lặng lẽ ngồi tại một góc phòng. Ông Hà bộc bạch: “Anh Năm là người lãnh đạo, người anh, người đồng chí quyết đoán sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn lắng nghe một cách tôn trọng ý kiến của nhân dân, của cán bộ cấp dưới. Nông dân cả nước không bao giờ quên được người lãnh đạo cao cấp dám xả thân bảo vệ “khoán chui” của nông dân, đổi mới trong nông nghiệp, đem lại cơm no, áo ấm cho nông dân, đem lại kết quả tuyệt vời cho đất nước và là tiền đề của những đổi mới sau này…”.

Mẹ VNAH Bùi Thị Mè vẫn cố gắng đến thắp cho người anh một nén nhang tiễn biệt. Mẹ tâm sự: “Đồng chí Võ Chí Công là đồng chí lãnh đạo cao cấp, hết tình hết nghĩa đối với đất nước, đối với nhân dân, cho nên cán bộ từ Nam chí Bắc đều cảm mến đồng chí - một người lãnh đạo dám nghĩ dám làm, sống có trách nhiệm.

Nhìn hàng ngàn người đến tiễn biệt đồng chí lần cuối mới thấy tình cảm của nhân dân dành cho đồng chí nhiều như thế nào. Thế hệ trẻ ngày nay cần phải học tập tấm gương của đồng chí Võ Chí Công, người suốt một đời vì nước vì dân, luôn tha thiết vì sự nghiệp phát triển đất nước cho đến những ngày cuối cùng. Thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp ngày nay phải soi vào tấm gương ấy mà sống, mà cống hiến cho dân, cho đất nước”.

Bà mẹ VNAH Bùi Thị Mè (thứ 2 từ trái sang) viếng đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà mẹ VNAH Bùi Thị Mè (thứ 2 từ trái sang) viếng đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị (bìa trái) viếng đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị (bìa trái) viếng đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Thủ tướng Lào A Sang Laoly thắp hương viếng đồng chí Võ Chí Công.

Phó Thủ tướng Lào A Sang Laoly thắp hương viếng đồng chí Võ Chí Công.

Hồng Hiệp – Thanh An


Trích sổ tang

  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Chí Công, người con ưu tú của dân tộc, người đảng viên Cộng sản trung kiên, bất khuất, hết lòng vì nước vì dân. Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, mẫu mực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng tôi nguyện chung sức đồng lòng cùng nhau phấn đấu bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

  • Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào A Sang Laoly:

Đồng chí Võ Chí Công là người chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường và trung thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là người bạn, người đồng chí thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Trong suốt thời gian 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến không biết mệt mỏi sức lực và trí tuệ của mình vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, đồng thời đã đóng góp tích cực vào việc vun đắp cũng như phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam. Sự ra đi của đồng chí Võ Chí Công không chỉ là tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà còn là sự mất mát người bạn, người đồng chí thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân Việt Nam và gia quyến của đồng chí Võ Chí Công.

  • Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM Xu Mingliang:

Theo tôi được biết, đồng chí Võ Chí Công là nhà cách mạng kiên trung và có mối quan hệ thân thiết với các đồng chí lãnh đạo của Nhà nước Trung Quốc trước đây. Đồng thời, đồng chí cũng là một trong những nhà lãnh đạo tích cực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị ngoại giao giữa 2 nước. Hôm nay, chúng tôi đến viếng đồng chí, trước là thể hiện tình cảm của bản thân nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung dành cho đồng chí Võ Chí Công, sau là thúc đẩy tình hữu nghị do các nhà lãnh đạo 2 nước đã và đang vun đắp. Với cương vị là Tổng Lãnh sự của Trung Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để thúc đẩy mối quan hệ thân tình mà các lãnh đạo 2 nước hiện thời đang thắt chặt.


372 đoàn đến viếng đồng chí Võ Chí Công

Hôm qua, ngày 11-9, dòng người tiếp tục đổ về Hội trường Thống Nhất để viếng đồng chí Võ Chí Công. Tính đến 17 giờ 30 ngày 11-9, đã có tổng cộng 372 đoàn trong và ngoài nước đến viếng, chia buồn cùng gia đình đồng chí Võ Chí Công. Ngay sau khi hoàn thành chuyến công tác tại Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân đã về TPHCM, đến viếng đồng chí Võ Chí Công và chia buồn cùng gia quyến. Nhiều đoàn Tổng lãnh sự quán các nước (Pháp, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc…) tại TPHCM cũng đã đến viếng đồng chí Võ Chí Công.

Theo kế hoạch của Ban tổ chức lễ tang, hôm nay 12-9, lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, từ 6 giờ đến 7 giờ. Lễ an táng đồng chí Võ Chí Công cùng ngày tại Nghĩa trang TPHCM. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Chí Công tại TPHCM. Dự kiến, số lượng đại biểu tham dự tại Hội trường Thống Nhất khoảng 800 người.

H.Hiệp – Th.An

Thông tin liên quan:

>> Năm Công - con người với dấu ấn lịch sử

>> Trên 300 đoàn đến viếng đồng chí Võ Chí Công

Tin cùng chuyên mục