Virus H5N1 đang có chiều hướng biến tướng

Virus H5N1 đang có chiều hướng biến tướng

Hôm qua, 16-6, tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, hiện nay tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã có tổng cộng 23 bệnh nhân điều trị vì nghi nhiễm H5N1 (trong đó có 11 bệnh nhân dương tính). Số lượng bệnh nhân nghi nhiễm H5N1 đến điều trị tại viện cũng đang có xu hướng tăng.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, virus H5N1 đang có nhiều biến tướng. Thông thường, các ca dương tính với H5N1 có biểu hiện viêm phổi nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp. Nhưng hiện nay, các bệnh nhân dương tính với virus H5N1 ít có những biểu hiện rõ ràng mà chỉ là viêm họng, viêm phế quản... Điều này đã gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh.

Virus H5N1 đang có chiều hướng biến tướng ảnh 1

TPHCM đã có nhiều cơ sở giết mổ gia cầm bán tự động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng

Tại bệnh viện Bạch Mai, đã có 10 bệnh nhân tại khoa hô hấp phải chuyển sang khoa lây vì nghi nhiễm H5N1; thậm chí một bệnh nhân ở khoa thận cũng phải chuyển sang Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới vì nghi nhiễm virus H5N1. Đặc biệt, một bác sĩ tại viện này cũng dương tính với H5N1. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường việc giám sát chặt chẽ tất cả các khoa bệnh để cấp cứu kịp thời bệnh nhân khi có biểu hiện nhiễm virus H5N1.

Trước những diễn biến của dịch cúm H5N1 ở người, chiều qua, 16-6, lãnh đạo Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đã họp để đưa ra biện pháp và phương hướng khống chế dịch H5N1. Cùng với việc khẳng định tiếp tục công tác vệ sinh môi trường, kiểm soát và giám sát chặt chẽ trên mọi địa bàn, không để xảy ra dịch lớn, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo tất cả các lực lượng không được chủ quan với công tác phòng chống dịch cúm H5N1.

Bộ Y tế cũng đang triển khai xây dựng phòng xét nghiệm sinh học cấp 3 (đạt tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới) để tăng cường công tác chẩn đoán và phòng chống lây nhiễm H5N1. Tuy số lượng người nhiễm H5N1 đang có dấu hiệu gia tăng, nhưng các chuyên gia dịch tễ cũng khẳng định, chưa có bằng chứng cho thấy dịch H5N1 đang bùng phát trở lại.

* Cùng ngày, trao đổi với PV báo SGGP về nguy cơ tái phát dịch cúm H5N1 ở đàn gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: trong hơn 1 tháng qua, cả nước không có ổ dịch cúm nào phát ra. Tuy nhiên, để đề phòng nguy cơ dịch cúm tái phát, Bộ NN-PTNT vừa có thông báo yêu cầu các địa phương trên toàn quốc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển và chăn nuôi gia cầm.

Việc quy hoạch lại chăn nuôi của đàn gia cầm, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ để chuyển đổi một bộ phận chăn nuôi nông hộ lên hình thức chăn nuôi bán công nghiệp ở một số địa phương trọng điểm như: Hà Tây, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cần Thơ… Những địa phương có mật độ chăn nuôi gia cầm lớn cũng đã phối hợp với Bộ NN-PTNT lập kế hoạch để xây dựng trại nuôi gà tập trung theo phương thức địa phương lập quỹ đất, Bộ NN-PTNT hướng dẫn kỹ thuật và các biện pháp chăn nuôi.

Trước tiên, kiên quyết không cho chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu công nghiệp tại các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên. Các địa phương khác phải thực hiện chậm nhất vào năm 2007.

Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 500 mái sinh sản hoặc 1.000 con thương phẩm trong một lứa trở lên phải được xây dựng tại các địa điểm cách ly với khu dân cư, trường học, đường quốc lộ, chợ. Chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ hơn phải có chuồng nuôi, tường rào bao quanh. Cơ sở ấp trứng gia cầm phải cách xa khu chăn nuôi và nhà ở từ 500m trở lên.

Về vấn đề tiêm phòng cho đàn gia cầm, trước mắt sang tháng 7 hoặc đầu tháng 8 sẽ tiêm phòng vaccine chống cúm tại hai tỉnh Nam Định và Tiền Giang; sang tháng 10, sẽ tiêm phòng mở rộng trên phạm vi cả nước. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn cho ấp trứng thuỷ cầm (vịt, ngan, ngỗng), Bộ NN-PTNT yêu cầu cho dừng ngay việc ấp trứng thủy cầm từ nay đến hết năm 2005; nghiêm cấm việc chăn nuôi thủy cầm theo phương thức chăn thả tự do. 

PHAN THẢO - LÊ VĂN 

Tin cùng chuyên mục