Vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến: Những ký ức về quê hương

Một triển lãm để tỏ lòng tri ân
Vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến: Những ký ức về quê hương

Một phòng tranh hoành tráng, đầy ắp “Ký ức về quê hương Việt Nam” của đôi vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến, đã được khai mạc ngày 18-7 và kéo dài đến 30-7, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Rất đông đồng nghiệp, bạn bè, cùng công chúng đến chúc mừng và thưởng lãm thành quả của họ qua suốt 47 năm hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Tác phẩm “Chim hạc”.

Tác phẩm “Chim hạc”.

Một triển lãm để tỏ lòng tri ân

Họa sĩ Quách Phong sinh năm 1938 tại Vĩnh Long. Ông tham gia cách mạng từ năm 12-13 tuổi. Năm 1952 ông theo học Trường Mỹ thuật Gia Định; năm 1954 ra Bắc học Trường Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1965 vượt Trường Sơn về Nam, công tác tại Phòng Chính trị Quân khu VI, rồi Phòng Mỹ thuật Giải phóng TƯ Cục miền Nam.

Từ năm1981 đến 1995 ông tham gia quản lý, là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật. Họa sĩ Quách Phong được nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007”, bởi công lao đóng góp cho công tác quản lý và sáng tác mỹ thuật.

Với tinh thần của một họa sĩ - chiến sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật, ông đã có một “Ký ức về quê hương Việt Nam” gồm 315 tác phẩm, trong đó có đóng góp của vợ là họa sĩ Kim Tiến.

Ông bộc bạch: “Chúng tôi tổ chức triển lãm này để nhìn lại hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình, từ thời kỳ chiến tranh, đến hòa bình và đổi mới. Đây là thành quả lao động nghệ thuật trong cả cuộc đời mà chúng tôi muốn được tỏ lòng tri ân cùng đấng sinh thành; các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội đã cùng tôi chiến đấu ở mọi chiến trường; đồng bào các địa phương từ Nam chí Bắc đã đùm bọc nuôi dưỡng tôi trong chiến tranh cũng như hòa bình…”.

Nhiều năm qua, vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến đã tham gia nhiều triển lãm tranh chung trong và ngoài nước và có nhiều tranh được Bảo tàng Mỹ thuật trong nước sưu tập. Họa sĩ Quách Phong được mời tham dự triển lãm ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới.

Kháng chiến và thời bình qua tranh ký họa

Ký họa với đề tài chiến tranh là nội dung và bút pháp chính của phần 1 trong triển lãm. Mảng ký họa thể hiện vốn sống quý giá của họa sĩ Quách Phong, được sáng tác từ năm 1963 đến 1975, gồm 230 ký họa chiến trường và 32 tranh với các chất liệu khác.

Những ký họa có ý nghĩa khái quát cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, của người dân và bộ đội từ Ninh Thuận đến Nam Trung bộ và Đông Bắc Campuchia. Với bút pháp tả thực, ông trở thành người “ghi chép lịch sử” bằng những ký họa.

Đồng nghiệp, bạn bè chúc mừng vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến trong buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: An Dung

Đồng nghiệp, bạn bè chúc mừng vợ chồng họa sĩ Quách Phong - Kim Tiến trong buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: An Dung

Tranh của ông được triển lãm cho nhân dân và chiến sĩ xem tại chỗ và được đưa đi triển lãm ở một số nước trên thế giới. Tại buổi giao lưu văn hóa một số nước, báo chí đã viết: Các bức ký họa trên những tờ giấy úa vàng, nhàu nát vì thời gian, mưa gió và bom đạn, nhưng trong đó chứa đựng một khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do của một dân tộc”.

Mảng thứ hai của triển lãm gồm 53 bức tranh được ông sáng tác sau giải phóng, một số tác phẩm mang tính khái quát giản dị, hồn hậu mà sâu lắng, bởi nguồn cội văn hóa Lạc Việt đã thấm sâu trong ông.

Với những hình tượng biểu trưng và xúc cảm chân thành về những người con đã hy sinh cho đất nước được thể hiện trong tác phẩm “Chim lạc”. Hay cảm nhận lớn nhất của ông về tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà làm nên chiến thắng, được thể hiện trên bức sơn mài dát vỏ trứng mang tên “Đại gia đình Việt Nam”, và trên một số tác phẩm: Tiến về Sài Gòn, Nắng tháng 5, Mùa gặt mới, Kỷ vật của người đã mất… Hầu hết các tác phẩm này đã được các bảo tàng trong nước sưu tập.

Để không lạc hậu với nhịp sống thời đại, tranh của họa sĩ Quách Phong cũng thể hiện với đa ngôn ngữ: lập thể, trừu tượng, siêu thực qua hàng loạt tác phẩm mới. Bởi theo ông, muốn theo kịp thời đại, người nghệ sĩ phải tự tìm tòi sáng tạo và với những giải pháp nghệ thuật đưa nó vào cấu trúc của hiện thực cuộc sống Việt Nam, vào phong cách Việt Nam và thời đại, thì phải có một sự lao động sáng tạo của riêng mình.

Mảng tranh (gồm 17 tác phẩm) của họa sĩ Kim Tiến lại có vẻ đẹp đơn giản, nhẹ nhàng với những đề tài giản dị, gần gũi cuộc sống như: Tình mẫu tử, Mẹ con, Hạnh phúc, Nữ giao liên, Hoa lục bình, Bông sen - bông súng… Tất cả từ bố cục, hình dáng, đường nét đến màu sắc, được tạo nên bằng cảm xúc và tình cảm đầy nữ tính, bổ sung để “Ký ức về quê hương Việt Nam” thêm phong phú, đằm thắm.

An Dung

Tin cùng chuyên mục