Tôi làm công ty, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), còn vợ tôi ở nhà nội trợ, không tham gia BHXH. Vợ tôi vừa sinh con, phải phẫu thuật, vậy tôi có được nghỉ làm và hưởng tiền “tã lót”? (NGUYỄN THANH TUẤN, TPHCM)
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Bên cạnh đó, trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH, mẹ không tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Như vậy, anh sẽ được nghỉ 7 ngày và tiền “tã lót” là 2 lần mức lương cơ sở.
Tôi vừa bị sẩy thai nên được nghỉ 10 ngày, nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng. Số tiền đó là của công ty tôi hay của BHXH? Người sẩy thai được nhận trợ cấp gì? (bạn đọc có số điện thoại 0927.091…)
Người lao động tham gia BHXH khi bị sẩy thai thì tùy thuộc vào tuổi thai, số ngày nghỉ thực tế sẽ được quỹ BHXH chi trả trợ cấp thai sản. Theo thông tin chị cung cấp, khả năng chị bị sẩy thai dưới 5 tuần tuổi và số ngày được nghỉ trong trường hợp này là 10 ngày. Mức hưởng trợ cấp của chị bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản/30 x số ngày nghỉ. Nếu thời gian đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng BHXH.
Tôi vừa sinh con được 2 ngày thì con mất, vậy khi làm hồ sơ nhận thai sản tôi có cần khai báo là con mất không? Và có nhận được thêm trợ cấp gì không? (bạn đọc không nêu tên)
Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết. Chị cần làm thủ tục gồm: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết. Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; chị đưa các giấy tờ cho đơn vị nơi công tác để chuyển cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản cho chị.
Tôi có thẻ BHYT, nơi khám chữa bệnh ban đầu ở Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Điện Biên. Nay tôi vào tạm trú ở TPHCM, tôi có được sử dụng thẻ BHYT cũ? (NGUYỄN ĐỨC LƯỜNG, phường 16, quận Gò Vấp, TPHCM)
Ông có thể đến bất cứ bệnh viện tuyến quận, huyện nào của TPHCM, đưa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí.
Cha tôi sinh năm 1920 thường trú tại Trà Vinh. Ông có thẻ BHYT mã HT 384-00500217, khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh. Tôi không rõ ký hiệu trên nghĩa là gì? Nay ông lên TPHCM tạm trú, ông có thể khám chữa bệnh tại các bệnh viện nào?; ở Bệnh viện Chợ Rẫy được không? (NGUYỄN THỊ NGỌC HÂN, quận 11, TPHCM)
Thẻ BHYT mang mã bắt đầu bằng chữ HT có nghĩa là người tham gia BHYT thuộc đối tượng hưu trí, chữ số kế tiếp là 03 có nghĩa là đối tượng được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh. Tại TPHCM, cha của bà có thể khám chữa bệnh nội ngoại trú tại bất cứ bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực nào; nếu có trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh đều được giải quyết thanh toán 95% chi phí.
Nếu cha của bà muốn khám chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy (là bệnh viện tuyến trung ương) không trong tình trạng cấp cứu và không có giấy chuyển tuyến của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trên địa bàn TP Trà Vinh hoặc các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn TPHCM thì sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp điều trị nội trú không trong tình trạng cấp cứu và không có giấy chuyển tuyến nhưng có trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí khám chữa bệnh quy định x 95%.