Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Với giáo dục phải vừa làm, vừa sửa

 

Sáng 11-10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm và làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, thư viện, phòng máy tính…, Bộ trưởng đã có buổi trao đổi với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nghe tâm tư, kiến nghị từ phía những người đã và sẽ đứng trên bục giảng về việc chấn hưng giáo dục.

Các giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị bộ tinh giản chương trình trung học để đảm bảo việc dạy và học tích cực.

Hiện nay, chương trình học quá nặng, giáo viên thường quay về phương pháp dạy thụ động, đọc và chép, ép học sinh học. Một vấn đề khác là việc quá coi trọng bằng cấp khiến cho việc học hiện nay trở thành “học để mà thi”, xuất hiện nhiều cách học đối phó, thiếu tính ứng dụng. Nhiều người học chỉ để có bằng cấp, thậm chí bằng cấp rất cao nhưng lại không có khả năng làm việc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, khi một chương trình giáo dục đã được thông qua, trong vòng 2-3 năm không thể thay đổi ngay được, cũng không thể dừng việc dạy và học lại để chờ tổ chức hội thảo, nghiên cứu và tìm ra những giải pháp, những giáo trình tối ưu. Nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng chất lượng bằng cấp cũng phải tiến hành hợp lý, từng bước một để không làm giảm thu nhập của giáo viên.

Trước mắt, bộ tập trung chấn chỉnh, nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ. Về việc tăng quyền tự chủ cho các trường, bộ cũng thực hiện từng bước. Từ năm sau, các trường ĐH sẽ tự thiết kế mẫu bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Theo Bộ trưởng, đặc điểm của ngành giáo dục là vừa làm, vừa phải thảo luận.

Mặc dù cho rằng việc chấn hưng giáo dục phải tiến hành từng bước và cần thời gian dài nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề ra một giới hạn thời gian: “Nếu tôi làm 2 năm mà ngành giáo dục vẫn không có chuyển biến tích cực, tôi sẽ xin nghỉ!”.

Đó là một quyết tâm, một lời cam kết? 

H.M.T.

 Ngành GD-ĐT TPHCM phát động phong trào chống tiêu cực

Ngày 11-10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng và phát động phong trào chống tiêu cực trong ngành giáo dục năm học 2006-2007. Từ năm học này, ngành GD-ĐT thành phố sẽ tập trung giải quyết 3 khó khăn quan trọng về vấn đề trường lớp; điều kiện làm việc của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phẩm chất và năng lực đội ngũ trong xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tại hội nghị, Giám đốc Sở GĐ–ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh cũng phát động phong trào chống tiêu cực trong toàn ngành, tập trung 5 nội dung: không dạy thêm học thêm tiêu cực, không chạy trường tiêu cực, không lạm thu, không bệnh thành tích, không gian lận trong thi cử. Đề cập đến vấn đề dạy thêm học thêm, ông Minh cũng nêu rõ quan điểm, nếu dạy thêm học thêm mà phát huy được kết quả học tập của học sinh, về lâu dài sẽ đưa vấn đề dạy thêm, học thêm về vị trí phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có lộ trình cụ thể. 

L.L.

Tin cùng chuyên mục