Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm: Bị cáo Đỗ Thị Nhàn không thừa nhận “bưng bít” thông tin, bao che cho SCB

Ngày 2-4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư tiếp tục bào chữa bổ sung cho các bị cáo sau phần đối đáp của viện kiểm sát (VKS).

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa ngày 2-4. Ảnh: CAO THĂNG
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa ngày 2-4. Ảnh: CAO THĂNG

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, bị cáo Nhàn gặp Trương Mỹ Lan chỉ để yêu cầu bị cáo Lan bán tài sản trả cho ngân hàng SCB, không có nội dung đưa nhận hối lộ.

Cáo buộc bà Nhàn gặp Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) sau đó Văn bố trí cho bà Nhàn gặp bà Lan để nhận tiền là cáo buộc theo hướng suy luận, không có gì để chứng minh.

Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại cáo buộc bị cáo Nhàn thực hiện hành vi tinh vi, thủ đoạn. Theo bào chữa của luật sư, bị cáo Nhàn thực hiện chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), sau đó chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện nên không phải do bị cáo Nhàn chủ động nghĩ ra, không phải là ý thức chủ quan thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo.

Tự bào chữa bổ sung tại tòa, bị cáo Nhàn cảm ơn VKS đã ghi nhận các luận cứ bào chữa của luật sư bị cáo. Tuy nhiên, nội dung đối đáp của VKS tại phiên tòa ngày 1-4 làm cho bị cáo cảm thấy hoang mang, lo lắng và mong HĐXX, VKS xem xét cụ thể điều kiện, hoàn cảnh bị cáo phạm tội.

Theo bị cáo Nhàn, bản thân đã không bỏ qua bất cứ sai phạm nào của SCB trong 2 bản báo cáo. Từ năm 2012-2022 đã có nhiều đoàn thanh tra SCB nhưng chỉ có đoàn thanh tra của bị cáo mới phát hiện sai phạm và dám chỉ ra SCB đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Bị cáo cho rằng mình đã hoàn thành vai trò trưởng đoàn thanh tra, không bưng bít bất cứ thông tin nào và đã báo cáo đầy đủ kết luận thanh tra.

Bị cáo thừa nhận hành vi làm trái công vụ nhưng đề nghị tách bạch chức năng của bị cáo khi thanh tra và khi tham mưu lãnh đạo. Về việc tham mưu dự thảo kết quả thanh tra, bị cáo đã đề nghị bị cáo Hưng cho thành lập bộ phận độc lập tham mưu nhưng bị cáo Hưng vẫn tiếp tục giao cho các thành viên của Ngân hàng Nhà nước.

Và bị cáo chỉ là một thành phần trong các thành viên này, không có quyền quyết định nội dung, văn bản thanh tra.

Tại phiên tòa ngày 2-4, HĐXX thông báo, gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella) đã nộp thêm 61 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Luật sư của bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) thông tin, chồng của bị cáo đã tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả, đề nghị HĐXX ghi nhận gia đình bị cáo Vân đã nộp thêm số tiền 2 tỷ đồng.

Theo luật sư, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan có nguyện vọng phân bổ nguồn tiền để khắc phục thay cho bị cáo Vân. Tuy nhiên bị cáo Vân đã tự vận động chồng tiếp tục khắc phục hậu quả cho mình.

Tin cùng chuyên mục