* Vietinbank không phải bồi thường
* Kiến nghị khởi tố điều tra và làm rõ trách nhiệm nhiều cá nhân
(SGGPO).- Sáng nay 27-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt Vietinbank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt hơn 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân đã kết thúc. Từ 8 giờ 30 phút sáng, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - chủ tọa phiên tòa và thẩm phán Lê Văn Ban thay mặt hội đồng xét xử thay nhau tuyên đọc bản án.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, tại phiên tòa bị cáo Huyền Như thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình. Theo đó, từ đầu năm 2007, Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank, chi nhánh TPHCM) đã vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và là Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng một lệnh nên từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM để huy động tiền.
Nhằm thực hiện được mục đích của mình, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu đứng tên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 doanh nghiệp khác. Sau đó, Huyền Như làm giả tài liệu (hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, hồ sơ mở tài khoản, lệnh chi, lệnh chuyển tiền, hợp đồng tiền gửi) của 2 chi nhánh Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để chuyển tiền của nhiều ngân hàng, đơn vị, cá nhân vào tài khoản Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Khải do Huyền Như thành lập hoặc chuyển cho những tổ chức, cá nhân Huyền Như cần trả nợ. Bằng thủ đoạn này, Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 3.900 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Phát, Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH Zen Plaza, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank- Berjaya, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TPHCM, ông Phạm Anh Huấn, bà Giã Thị Mai Hiên (ngụ quận Bình Thạnh), bà Lê Thị Kim Tuyến. Số tiền chiếm đoạt được Huyền Như dùng trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng tiền gửi cho 9 cá nhân, trả nợ gốc và nợ lãi trong, ngoài hợp đồng tiền gửi cho 4 công ty, chi tiêu cá nhân...
Nguyên nhân phạm tội, theo Huyền Như khai, là do bị cuốn vào vòng xoáy của tín dụng đen. Việc Huyền Như làm giả con dấu, tài liệu đã hoàn thành và sử dụng con dấu giả thực hiện một loạt hành vi lừa đảo, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải xét xử hành vi này về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ không thể rút truy tố như đề nghị của luật sư.
Tham gia giúp sức cho Huyền Như huy động vốn rồi chiếm đoạt tiền có Võ Anh Tuấn (42 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), Huỳnh Mỹ Hạnh (42 tuổi, chị gái Huyền Như, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Khải), Trần Thị Tố Quyên (34 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Khải), Đào Thị Tuyết Dung (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân), Nguyễn Thị Lành (52 tuổi, ngụ quận 7, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Đông). Trong đó, bị cáo Võ Anh Tuấn dù biết việc làm sai trái của Huyền Như nhưng không ngăn chặn, cũng không báo cáo lãnh đạo Vietinbank mà lại hứa dàn xếp giúp Huyền Như. Các bị cáo Hạnh, Quyên, Dung, Lành không có tiền gửi tại Vietinbank Nhà Bè, không đến Vietinbank Nhà Bè làm thủ tục gửi tiền nên chắc chắn các bị cáo phải biết việc dùng thẻ tín dụng giúp Huyền Như vay tiền là sai trái.
Phạm Anh Tuấn (37 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí vận tải Thái Bình Dương) đem số tiền của công ty dùng đóng tàu đem gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mặc dù công ty không có chức năng kinh doanh tiền tệ, khiến công ty bị Huyền Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng. Đổi lại, bị cáo thu lợi bất chính hơn 72,5 tỷ đồng. Do vậy không thể chuyển đổi tội danh cho bị cáo từ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thành “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như luật sư đề nghị.
Bên cạnh đó, Huyền Như thực hiện trót lọt tội phạm do có phần giúp sức của một số cá nhân lãnh đạo, nhân viên ngân hàng đã thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; một số đối tượng do vụ lợi mà cố ý làm trái quy định của pháp luật tại một số ngân hàng và công ty. Cụ thể: chỉ đạo cho vay, đề xuất cho vay nhưng không có mặt khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; ký phê duyệt, xác nhận, làm thủ tục giải ngân đối với những hồ sơ tín dụng để cho vay khi hồ sơ chưa có chữ ký của khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; thực hiện lệnh chi không có mặt, không có chữ ký của chủ tài khoản; chỉ đạo, đề xuất phê duyệt và lập hồ sơ mở tài khoản mà không có mặt người mở tài khoản để ký chữ ký mẫu theo đúng quy định.
Các bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí bị xét xử về tội “Cho vay lãi nặng” vì đã cho Huyền Như vay tiền với lãi suất từ 0,4%/ngày đến 2%/ngày, vượt quá 10 lần mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
Phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo khác rằng thân chủ của mình không phạm tội, đề nghị chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc tuyên không phạm tội bị hội đồng xét xử bác bỏ. Chẳng hạn: các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của các Phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM chỉ vi phạm quy trình, thủ tục về cho vay được quy định trong nội bộ của Vietinbank chứ không vi phạm pháp luật, không phạm tội như viện kiểm sát truy tố là không thể chấp nhận. Bởi vì tuy Vietinbank không bị thiệt hại nhưng ACB, Navibank bị thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo.
Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hàng loạt khách thể, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng mọi mặt của đời sống xã hội. Từ hàng loạt sai phạm của các lãnh đạo, nhân viên của Vietinbank và VIB chi nhánh TPHCM đã dẫn đến tổn thất lớn lực lượng cán bộ có năng lực chuyên môn trong ngành ngân hàng - những người này phạm tội chỉ vì tin lời Huyền Như. Các bị cáo trong nhóm tội “Cho vay lãi nặng” là thế lực đen trong hoạt động tín dụng, cần phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên khi lượng hình, hội đồng xét xử cũng xem xét các bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, cơ bản thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối lỗi, gia đình có công với cách mạng, bị cáo Lành đã bán nhà để khắc phục hậu quả, nhiều bị cáo khác nộp lại một phần tiền thu lợi bất chính và tài sản bị kê biên…
Do nội dung bản án dài nên đến 11 giờ 45 phút, hội đồng xét xử mới tuyên mức án đối với từng bị cáo:
- Huỳnh Thị Huyền Như: Dù bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội khi mang thai, nộp lại một phần tiền thu lợi bất chính và có tài sản bị kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng do hành vi bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên dù có những tình tiết giảm nhẹ này vẫn phải chịu mức án cao nhất của khung hình phạt mới tương xứng tính chất, hành vi phạm tội bị cáo gây ra. Từ đó hội đồng xét xử tuyên phạt Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung của cả 2 tội là tù chung thân.
- Võ Anh Tuấn: chịu mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Huỳnh Mỹ Hạnh: 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Trần Thị Tố Quyên: 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Đào Thị Tuyết Dung: 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù tội “Cho vay lãi nặng”. Tổng hợp là 12 năm tù.
- Nguyễn Thị Lành: 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù tội “Cho vay lãi nặng”. Tổng hợp hình phạt là 9 năm tù.
- Phạm Anh Tuấn: 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
- Trần Thanh Thanh (34 tuổi, nguyên Phó Phòng dịch vụ khách hàng, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Tống Nguyên Dũng (27 tuổi, nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Bùi Ngọc Quyên (33 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Hoàng Hương Giang (27 tuổi, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Phạm Thị Tuyết Anh (33 tuổi, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Đoàn Lê Du (34 tuổi, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Vũ Nguyễn Xuân Tiên (39 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Huỳnh Trung Chí (27 tuổi, nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Nguyễn Thị Phúc Ngân (32 tuổi, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Huỳnh Hữu Danh (33 tuổi, nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TPHCM): 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Lương Thị Việt Yên (41 tuổi, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 7 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Hồ Hải Sỹ (31 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Nguyễn Thiên Lý (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh): 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng”, tổng hợp với bản án 4 năm tù bị cáo bị tuyên trước đó thành 6 năm tù.
- Hùng Mỹ Phương (40 tuổi, ngụ quận 1): 2 năm 2 tháng 10 ngày tù về tội “Cho vay lãi nặng”. Do bị cáo chấp hành xong hình phạt tù nên được tuyên thả tự do tại tòa.
- Phạm Văn Chí (37 tuổi, ngụ quận 8): 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cho vay lãi nặng”.
Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, các nguyên đơn dân sự và người bị hại yêu cầu Vietinbank chịu trách nhiệm bồi thường số tiền bị chiếm đoạt. Theo hội đồng xét xử, yêu cầu này là không có cơ sở. Bởi lẽ trước tòa, Huyền Như thừa nhận chính bị cáo đã trực tiếp gặp gỡ, đưa ra thông tin lãi suất hấp dẫn và làm giả hàng loạt hợp đồng, ký giả chữ ký khiến cho các đơn vị, cá nhân tin tưởng gửi tiền với nhiều hình thức nhưng không đến trụ sở Vietinbank để giao dịch hoặc gặp người có trách nhiệm của Vietinbank để xác minh thông tin cần thiết, thậm chí còn giao hồ sơ đóng dấu sẵn của đơn vị mình cho Huyền Như. Do tin tưởng những giấy tờ giả Huyền Như dùng để huy động vốn là thật nên 15 ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân gửi tiền, chuyển tiền cho Huyền Như và sau đó bị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt.
Trong phần bào chữa, các luật sư cũng đã nêu Vietinbank không bị thiệt hại, Huyền Như không chiếm đoạt tiền của Vietinbank vì biết nếu làm như vậy sẽ bị phát hiện ngay. Từ đó cho thấy Vietinbank chỉ là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, không có trách nhiệm bồi thường thay Huyền Như. Hội đồng xét xử cũng khẳng định tư cách tham gia tố tụng của 15 ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân bị Huyền Như chiếm đoạt tiền là đơn vị, cá nhân bị hại.
Với nhận định trên, hội đồng xét xử tuyên Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo Võ Anh Tuấn, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành phải bồi thường cho 15 đơn vị, cá nhân bị hại.
| |
ÁI CHÂN
- Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng: Huyền Như xin xử án nhẹ cho đồng phạm