Vụ doanh nghiệp khó gia hạn thuê đất vì bị “ngâm” sổ đỏ: UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu làm rõ

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với sở, ngành, Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, các ngân hàng liên quan xem xét, giải quyết nội dung Báo SGGP nêu và báo cáo về UBND tỉnh.

Ngày 14-1, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng vừa có công văn gửi Sở TN-MT liên quan bài viết “Doanh nghiệp khó gia hạn thuê đất vì bị “ngâm” sổ đỏ” đăng trên Báo SGGP ngày 17-12-2022.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với sở, ngành, Cục THADS tỉnh, các ngân hàng liên quan xem xét, giải quyết nội dung Báo SGGP nêu và báo cáo về UBND tỉnh.

Như Báo SGGP đã thông tin, đang hoạt động ổn định với ngành nghề xuất nhập khẩu mặt hàng thủy sản, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân, Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Cam Ranh Seafoods, trụ sở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có nguy cơ dừng hoạt động. Lý do hiện đã hết hạn thuê đất nhưng đơn vị không thể hoàn tất hồ sơ để tái thuê đất tiếp tục dự án.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đông lạnh Cam Ranh

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đông lạnh Cam Ranh

Trong đơn kêu cứu gửi tới Báo SGGP, Giám đốc Công ty Cam Ranh Seafoods lo lắng về việc có nguy cơ buộc đóng cửa khi thời hạn phải hoàn tất thủ tục gia hạn thuê đất đã cận kề.

Ngày 23-11-2022, Sở TN-MT tỉnh Khánh Hoà ra văn bản thông báo về thời hạn thuê đất của Công ty Cam Ranh Seafoods đã hết nhưng đơn vị này vẫn chưa nhận được hồ sơ gia hạn thuê đất của doanh nghiệp.

“Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm phát hành thông báo mà công ty không lập thủ tục gia hạn theo quy định thì Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh Khánh Hoà thu hồi đất theo quy định”, văn bản Sở TN-MT nêu.

Theo hồ sơ, tháng 2-2002, Công ty Cam Ranh Seafoods được UBND tỉnh Khánh Hòa cho thuê gần 21.000m2 đất (trả tiền thuê đất hàng năm) để thực hiện dự án Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đông lạnh Cam Ranh tại thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Thời hạn thuê 20 năm.

Hiện, Công ty Cam Ranh Seafoods đang sử dụng hơn 500 lao động, trong đó gần 300 là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Theo bản án số 11 của Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng, nếu Công ty Cam Ranh Seafoods không có tiền để trả nợ ngân hàng thì phải bán đấu giá tài sản đã thế chấp để trả nợ.

Ngày 23-10-2020 và 9-10-2021, Công ty Cam Ranh Seafoods đã tự nguyện thi hành án bằng các phương án giải quyết trả nợ nhưng Cục THADS tỉnh Khánh Hoà và Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Khánh Hoà (Agribank Khánh Hòa) không có ý kiến phản hồi, để sự việc kéo dài đến nay.

Đến ngày 5-4-2022, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành họp và kê biên tài sản thế chấp Ngân hàng Agribank Khánh Hòa của Công ty Cam Ranh Seafoods. Trước đó, chính Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã thông báo với Công ty Cam Ranh Seafoods tiến hành kê biên, sẽ cưỡng chế tài sản với chi phí dự trù cho việc cưỡng chế là 120 triệu đồng do Công ty Cam Ranh Seafoods phải chi trả.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Cam Ranh Seafoods cho biết năm 2020 và 2021, doanh nghiệp đã tự nguyện đề nghị thi hành án nhưng Cục THADS tỉnh Khánh Hoà không thực hiện, kéo dài mãi đến hôm nay.

Ngoài ra, Cục THADS tỉnh Khánh Hoà ra thông báo kê biên tài sản và sẽ kèm cưỡng chế nhưng đến thời điểm này lại chỉ có kê biên tài sản. “Công ty chúng tôi đã chuẩn bị 120 triệu đồng để trả tiền cưỡng chế cho Cục THADS tỉnh Khánh Hoà nhưng giờ số tiền ấy không biết trả cho ai”, đại diện Công ty Cam Ranh Seafoods nói và thắc mắc tại sao doanh nghiệp tự nguyện đề nghị thi hành án nhưng Cục THADS tỉnh Khánh Hoà và Agribank Khánh Hoà không hồi đáp?

“Tài sản Công ty Cam Ranh thế chấp ngân hàng chưa được thẩm định giá, chưa đem ra bán đấu giá thì căn cứ vào đâu chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ (thuộc Cục THADS tỉnh Khánh Hoà) lại khẳng định là không đủ trả nợ”’, đại diện Công ty Cam Ranh Seafoods nói thêm.

Cũng theo Công ty Cam Ranh Seafoods, khi sắp hết thời hạn sử dụng đất theo quy định, doanh nghiệp đã lập thủ tục hồ sơ gia hạn quyền sử dụng đất, tuy nhiên tiếp tục gặp vướng mắc.

“Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty do Agribank Khánh Hòa đang giữ (liên quan đến việc thế chấp tài sản gắn liền trên đất) nên doanh nghiệp nhiều lần đề nghị ngân hàng cho mượn lại bản chính để làm hồ sơ gia hạn thời hạn sử dụng đất. Đồng thời, cam đoan chỉ sử dụng bản chính vào mục đích gia hạn sử dụng đất, khi hoàn thành thủ tục sẽ nộp lại bản đã được gia hạn cho ngân hàng hoặc vào thời điểm công ty làm thủ tục tại bộ phận một cửa Sở TN-MT, đại diện ngân hàng đem nộp bản chính cho bộ phận kể trên nhưng không được sự chấp thuận”, ông Võ Ngọc Hiệp, Tổng Giám đốc Cam Ranh Seafoods cho biết.

Ngày 24-8-2021, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa có văn bản số 1551, trong đó nêu: “Đăng ký biến động đất đai trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia hạn quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm theo hình thức trước đó thì sẽ không gây trở ngại cho việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thi hành án”.

Tiếp đó, ngày 14-10-2022, Agribank Khánh Hòa có văn bản gửi Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, trong đó phía ngân hàng đề nghị Công ty Cam Ranh Seafoods bồi thường theo giá trị thế chấp (đối với các tài sản bị hư hỏng, không còn hoạt động, không còn nguyên trạng) là hơn 2,1 tỷ đồng.

Vấn đề này, Công ty Cam Ranh Seafoods cho biết doanh nghiệp đồng ý trả số tiền kể trên trước khi lên đấu giá tài sản kê biên.

“Doanh nghiệp luôn thiện chí để giải quyết các vấn đề liên quan, tuy nhiên phía ngân hàng luôn gây khó dễ. Số phận của hàng trăm lao động và sự vận hành ổn định của công ty đang bị đe dọa nghiêm trọng”, ông Võ Ngọc Hiệp lo lắng.

Tin cùng chuyên mục