Ngay sau khi Báo SGGP có bài điều tra phản ánh đường dây lừa đảo cho thuê chứng chỉ hành nghề dược (đăng ngày 7-1), nhiều nhà thuốc cho biết họ cũng từng là nạn nhân. Trong đó, có trường hợp bị lừa hàng chục triệu đồng. Trong khi, Sở Y tế TPHCM cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề dược và quản lý là chặt chẽ?
- Có xác nhận thì cấp
Cũng trong hoàn cảnh tương tự chị Vũ Thị Thùy Linh, chủ nhà thuốc Nhân Đức (42 Nguyễn Hữu Tuyến, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM), những ngày qua anh Chu Thanh Luân (chủ nhà thuốc Gia An ở 42 Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM) cũng bức xúc vì bị đường dây do Nguyễn Tuấn Long lừa đảo cho thuê chứng chỉ bán thuốc.
Tháng 7-2011, anh Luân mở nhà thuốc và cần thuê chứng chỉ hành nghề dược đứng tên. Sau khi lên internet tìm, anh biết Nguyễn Tuấn Long có rao cho thuê và liên hệ. Long lấy chứng chỉ bán thuốc của người khác có tên Khuất Bá Linh cho thuê. Và sau khi đã lấy hơn 50 triệu đồng của anh Luân, Long viện đủ lý do để thanh lý hợp đồng rồi cao chạy xa bay.
Theo anh Luân, khi liên hệ với Nguyễn Tuấn Long thì ông này giới thiệu đang công tác tại Bệnh viện 7A (TPHCM). Và qua điều tra nghi vấn là trong chứng chỉ hành nghề dược của ông Khuất Bá Linh và Nguyễn Mạnh Hùng do Sở Y tế TPHCM cấp đều có địa chỉ thường trú tại 466 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TPHCM (Bệnh viện 7A) mặc dù 2 người này một ở Đắc Lắc, một ở Hà Nội.
Lý giải về sự khuất tất trên, ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ hành nghề y dược Sở Y tế TPHCM, cho biết quy trình cấp chứng chỉ hành nghề dược cho 2 dược sĩ nói trên không có gì sai sót gì cả. “Việc có cùng địa chỉ thường trú ở 466 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5 là do giám đốc Bệnh viện 7A xác nhận và đúng thủ tục thì cấp”, ông Hải nói.
Về trường hợp hình của Nguyễn Tuấn Long được dán lên 2 chứng chỉ hành nghề dược có 2 tên khác nhau, khiến Long lợi dụng để đi lừa đảo, ông Hải nói về nguyên tắc, chứng chỉ hành nghề dược của người nào thì dán hình của người đó. Tuy nhiên, ở đây 2 chứng chỉ đứng tên 2 người nhưng dán một hình, ông Hải không giải thích mà hẹn lúc khác do đang công tác ở Đà Lạt.
- Chuyển cơ quan công an điều tra
Theo quy định, để được cấp chứng chỉ hành nghề dược, người xin cấp phải có đơn, bằng dược sĩ đại học, giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thâm niên công tác. Nhưng không hiểu vì sao lại có chuyện Sở Y tế TPHCM cấp 2 chứng chỉ hành nghề dược cho cùng hình một người. Hơn nữa, 2 người ở 2 nơi lại được cấp chứng chỉ cùng địa chỉ thường trú của một cơ quan y tế? Điều này đã tạo kẽ hở cho một số đối tượng hình thành đường dây lừa đảo cho thuê chứng chỉ hành nghề dược.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết vụ việc đã được Sở Y tế ghi nhận và chỉ đạo phòng thanh tra tiến hành xác minh.
Thắc mắc vì sao 2 chứng chỉ hành nghề dược khác nhau nhưng dán hình một người? PGS Phong Lan nói ban đầu một cái hình đeo kính và một cái không đeo kính. Sau đó, người làm đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề lên yêu cầu đổi lại hình do lần trước dán lộn. Nhưng loay hoay thế nào lại ra kết quả 2 chứng chỉ cùng một hình.
“Theo quy trình thì khi trả kết quả hành nghề, chính người đứng tên đến nhận chứ không được người khác. Việc này đang điều tra để xem sai sót ở đâu. Nếu phát hiện có lừa đảo thì rút chứng chỉ hành nghề luôn, hoặc chuyển cơ quan công an điều tra”, PGS Phong Lan cho biết.
Đặt nghi vấn có đường dây “chạy” hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược và có sự tiếp tay của cán bộ quản lý? PGS Phong Lan nói có một số người đứng ra làm “cò” hồ sơ như dịch vụ cấp sổ hồng, sổ đỏ nhà đất. Họ tập hợp hồ sơ bằng cấp các thứ rồi xin cấp và sở không cấm được. Cũng theo PGS Phong Lan, thị trường dược tại TPHCM quá béo bở, giá cho thuê bằng cao nên nhiều dược sĩ đổ dồn về xin chứng chỉ rồi đem “hợp tác” với nhà thuốc. Trong khi luật dược cho phép dược sĩ có hộ khẩu tỉnh cũng được xin chứng chỉ hành nghề dược ở thành phố. Chẳng hạn có trường hợp ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội tạm trú KT3 tại TPHCM nhưng cũng phải cấp chứng chỉ hành nghề dược nếu họ đủ hồ sơ quy định.
Trong khi đó, ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết nghi vấn đường dây lừa đảo cho thuê chứng chỉ bán thuốc đang được cơ quan này thụ lý tiến hành thanh kiểm tra. “Nếu có dấu hiệu lừa đảo chắc phải chuyển cơ quan công an điều tra”, ông Bình nói. Tuy nhiên, việc xác minh đến đâu, ông Bình bảo chưa thể nói được.
TƯỜNG LÂM
>> Lừa đảo cho thuê chứng chỉ bán thuốc tây