Thị trường lúa – gạo phía Nam đang diễn biến sôi động và có nhiều tình tiết bất ngờ. Đáng chú ý là gạo từ miền Trung “chảy ngược” vô phía Nam. Đây là điều chưa xảy ra trong nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do ĐBSCL đang rơi vào thời điểm giáp hạt, cùng với dịch bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá (VL-LXL) làm lúa-gạo khan hiếm cục bộ. Tuy nhiên, lượng lúa-gạo này chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa với giá “đội trần”: gạo nguyên liệu ở ĐBSCL đạt mức kỷ lục 4.000đ/kg, giá gạo bán buôn ở các chợ “nhảy múa” từ 5.000đ-9.000đ/kg. Tại TPHCM, gạo bán buôn ở các chợ tăng bình quân 200đ-6000đ/kg.
Nhiều chủ nhà máy xay xát tại chợ gạo Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho biết, hiện tại không còn nguồn lúa phục vụ chế biến xuất khẩu. Các cơ sở chủ yếu thu mua xay xát gạo phục vụ thị trường nội địa. Ông Lê Phước Chót, chủ cơ sở xay xát gạo Trung Nhứt-Thốt Nốt cho biết: Hàng xáo từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thu mua ráo riết để xay xát bán gạo chợ. Giá lúa nguyên liệu dù đã bình ổn, giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao. Chiều ngày 17-11, tại Thốt Nốt, lúa thường giá 2.900-3.100 đồng/kg, lúa thơm 3.600-3.800 đồng/kg. Tại An Giang và chợ gạo Thốt Nốt mấy ngày qua còn có lượng lúa thu mua từ Campuchia đưa về xay xát tiêu dùng nội địa. Ước tính, mỗi ngày có hàng chục tấn lúa-gạo từ Campuchia được đưa về Việt Nam tiêu thụ nội địa.
Cùng thời gian này, tuy chưa có thống kê đối với số lượng gạo nhập lậu, nhưng theo một số cơ quan chức năng quản lý thị trường, hải quan, cửa khẩu, biên phòng thì lượng gạo nhập lậu đã tăng đột biến trong vòng 6 năm trở lại đây tại Kiên Giang. Đường tiểu ngạch ven biên đi qua một số xã Phú Mỹ, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa (huyện Kiên Lương) đang trở thành điểm nóng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Hiện nguồn gạo nhập lậu đang bày bán ở rất nhiều nơi, không chỉ có những chợ vùng ven biên giới mà ngay cả những khu chợ trung tâm tại thị xã Hà Tiên, thành phố Rạch Giá với mức giá ngang với giá gạo sản xuất trong nước, 5.000đ/kg đối với gạo thường, gạo lúa thơm dao động từ 6.000đ đến 6.500/kg nên gạo nhập lậu chiếm ưu thế hơn gạo nội địa.
CAO PHONG – BÌNH ĐẠI
Lượng gạo “nhập” từ miền Trung và miền Bắc sẽ giảm trong những ngày tới NGUYỄN HỮU |