Vượt qua nỗi ám ảnh ung thư

 Theo các chuyên gia y tế ung thư không phải là dấu chấm hết và thực tế cho thấy có rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư được điều trị thành công mỗi năm nếu kết hợp hiệu quả các phương pháp điều trị với nhau.

Báo SGGP số ra ngày 8 và 9-9 đã đăng loạt bài “Giành giật sự sống với ung thư”, phản ánh tình trạng nhiều người mắc ung thư, hàng ngày đau đáu nỗi lo với gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế ung thư không phải là dấu chấm hết và thực tế cho thấy có rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư được điều trị thành công mỗi năm nếu kết hợp hiệu quả các phương pháp điều trị với nhau.

Vượt qua nỗi ám ảnh ung thư ảnh 1 Khám tầm soát phát hiện sớm ung thư  
 Lạc quan đẩy lùi bệnh tật

Theo các bác sĩ ung bướu, nhiều người khi biết tin mắc ung thư lâm vào tình trạng căng thẳng, lo sợ, chán ăn, đôi khi tìm đến các hành vi tiêu cực. Cá biệt, có những người tự tử vì không chịu nổi áp lực bệnh tật. Chính những rối loạn tâm lý ấy đã ảnh hưởng không chỉ tới chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn tác động không nhỏ tới quá trình điều trị ung thư. Thậm chí, nhiều bệnh nhân tin theo những lời đồn thổi, những phương pháp điều trị phản khoa học để rồi nhận lại những kết quả đau lòng.

Theo BS Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ 3 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bệnh nhân ung thư có tâm lý chung là hay bi quan, hoang mang lo sợ với hàng loạt câu hỏi mà các thầy thuốc lâm sàng thường hay gặp như là: “Bệnh của tôi có chữa khỏi không?”, “Tế bào ung thư đã lan tràn khắp cơ thể hay chưa?”, “Sau khi điều trị bệnh có quay trở lại hay không?”...

Thông thường, khi bệnh nhân mới biết mình mắc bệnh ung thư thì sẽ có những phản ứng về cảm xúc và tâm lý đối với căn bệnh này. Diễn biến của những phản ứng này thường trải qua 5 giai đoạn: phủ nhận, phẫn nộ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận. Trong đó, trầm cảm chiếm khoảng 85% số bệnh nhân ung thư. Tình trạng trầm cảm ở bệnh nhân ung thư do nhiều nguyên nhân như: do khối ung thư gây ra, do chấn thương tâm lý và do chính các biện pháp điều trị ung thư gây ra như hóa chất, xạ trị, phẫu thuật làm tổn thương hình thái cơ thể. 

Đối với một số người, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng tận hưởng cuộc sống và lập kế hoạch cho tương lai.

“Mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh liệu pháp tâm lý làm giảm nguy cơ, điều trị hoặc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, việc can thiệp về tâm lý góp phần giúp người bệnh cảm thấy lạc quan hơn và chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn. Khi bệnh nhân giữ vững được tinh thần, sức khỏe, họ sẵn sàng theo được những liệu trình điều trị tốt. Họ ít bị tác dụng phụ, từ đó được điều trị theo đúng chu kỳ đưa tới hiệu quả tối đa”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Kết hợp đông - tây y

Theo BS chuyên khoa 2 Đỗ Hữu Định, Chủ nhiệm Phòng khám chuyên khoa Y học dân tộc, từ các nghiên cứu chỉ ra rằng chưa có một bài thuốc đông y nào chữa khỏi ung thư, mà thực tế đông y chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, những bài thuốc đông y chủ yếu là thuốc mát, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thậm chí tăng lượng hồng cầu nên khiến cơ thể dễ chịu tạm thời.

“Bệnh ung thư nên lựa chọn phương pháp của y học hiện đại để khống chế bệnh trước, sau đó duy trì và tăng cường thể trạng bằng phương pháp y học cổ truyền thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Các bài thuốc của y học cổ truyền có mục tiêu làm giảm tác hại của hóa xạ trị, tăng cường thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế di căn xa, kiểm soát khối u rất tốt. Tuy vậy, chỉ nên sử dụng những bài thuốc của những lương y có tên tuổi, được cấp phép đầy đủ để tránh tiền mất tật mang”, BS Định cho biết.

Dẫn giải về nhiều trường hợp điều trị thành công nhờ kết hợp đông - tây y, theo BS Đỗ Hữu Định, điển hình như bệnh nhân tên Nhi Nữ (31 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) mắc bệnh ung thư máu. Bệnh nhân này điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, được các bác sĩ chẩn đoán suy tủy, 3 dòng huyết cầu đều giảm, thiếu máu nặng, lá lách to, kéo dài. Sau khi kết hợp dùng thuốc đông y trong 3 tháng, lá lách đã bình thường, bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu đã lên đều; sau hơn 1 năm sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Trước đó, một bệnh nhân mắc ung thư tử cung đã tiến hành phẫu thuật xạ trị và dùng đông y, đến nay bệnh nhân đã 65 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo BS Định, khi điều trị cần phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải loại dược liệu đó có tác dụng trong chữa bệnh ung thư thì cứ uống vào là có thể khỏi bệnh.

Việc điều trị cho bệnh nhân ung thư cần phải có quá trình và thời gian thực hiện, hiểu được các đặc điểm, hoàn cảnh bệnh nhân, nắm bắt những vấn đề khó khăn về thể chất, tinh thần, tiếp xúc xã hội và tài chính của người bệnh, từ đó có cái nhìn tổng quát trong việc chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh nhân ung thư. Một trong những phương pháp điều trị hiệu quả là phương pháp chăm sóc giảm nhẹ bắt đầu từ lúc chẩn đoán

            TS-BS ĐẶNG HUY PHÚC THỊNH, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Tin cùng chuyên mục