WHO ghi nhận việc Việt Nam xử lý Covid-19 rất tốt

Ngày 16-2, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã có công văn số đề nghị giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh thành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người mắc Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. 
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy trao giấy xuất viện cho ông Li Ding, người Trung Quốc, bị nhiễm Covid-19, được điều trị thành công. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy trao giấy xuất viện cho ông Li Ding, người Trung Quốc, bị nhiễm Covid-19, được điều trị thành công. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong đó, cần nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể và bệnh xác định); thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế… 

Cơ sở y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế. Các cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định), đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh; quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh Covid-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định. Trong trường hợp chuyển tuyến, cơ sở khám chữa bệnh phải bố trí phương tiện, nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện tuyến trên bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh và thực hiện theo đúng quy định về bàn giao người bệnh cho bệnh viện nhận chuyển tuyến.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ghi nhận việc Việt Nam xử lý Covid-19 rất tốt. Chính phủ Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm với thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. “Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ... theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) (2005). Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là Covid-19...”, WHO đánh giá. 


Cùng ngày 16-2, 52 công dân đầu tiên (34 công dân của tỉnh Lào Cai và 18 công dân ngoại tỉnh) cách ly tại tỉnh Lào Cai đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly sau 14 ngày. Ngày 3-2, những người này sau khi trở về từ Trung Quốc đã được đưa vào kiểm tra và theo dõi sức khỏe tại trường quân sự tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 16-2, tỉnh Lào Cai còn 455 công dân thực hiện cách ly. 

Ngày 16-2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đăng tải thông cáo cho biết, từ ngày 3 đến 16-2, Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn và mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng một lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang/ngày). Trong số 13 doanh nghiệp thành viên ở 3 miền đang sản xuất khẩu trang, riêng Dệt kim Đông Xuân mỗi ngày cung ứng trên 200.000 khẩu trang dùng vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, có thể bảo lưu được tính kháng khuẩn sau nhiều lần giặt, với giá 7.000 đồng/chiếc.

Lựa mua khẩu trang vải tại một cửa hàng ở  quận 8, TPHCM.  Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dự kiến, đến hết tháng 2, tập đoàn sẽ cung ứng 5,5 - 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế. Vinatex còn trao tặng 150.000 khẩu trang kháng khuẩn cho các địa phương, trường học, đơn vị biên phòng, bệnh viện, các địa điểm nóng về dịch Covid-19 như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…  

TPHCM chưa phát hiện thêm người nghi nhiễm 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, toàn TP đã có 18 quận huyện hoàn thành thiết lập cơ sở cách ly tập trung gồm: quận 3, quận 4, quận 6, quận 7, quận 8, quận 9, quận 10, quận 11, quận 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, Phú Nhuận, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Nhà Bè, Tân Bình. Hầu hết các cơ sở này có khả năng tiếp nhận cách ly theo dõi cho hơn 500 người. Hiện ngành y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các cơ sở cách ly kiểm dịch tại quận huyện, giám sát hoạt động cách ly tại nhà; phối hợp các cơ quan, ban ngành triển khai hoạt động truyền thông, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện trong cộng đồng.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát Covid-19 tại TPHCM, tính đến ngày 16-2, tổng số người được xác định mắc Covid-19 là 3 trường hợp (2 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện, 1 trường hợp còn lại sức khỏe ổn định). Tổng số người nghi ngờ mắc bệnh là 32 trường hợp; tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Đến ngày 16-2, TP chưa phát hiện thêm trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Hiện có 24 trường hợp đang được cách ly tại bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi) do có liên quan đi về từ vùng dịch, trong khi tổng số người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung của quận huyện là 51 trường hợp - hiện có 28 người hết thời gian theo dõi, còn 23 người đang tiếp tục được theo dõi. Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.927 người, trong đó đã có 1.998 người hết thời gian theo dõi, còn 929 người đang tiếp tục được theo dõi. Tất cả các trường hợp được cách ly theo dõi đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh.

Ngày 16-2, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 5 công dân trú tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) từ Vĩnh Phúc trở về nhà vào ngày 14-2 đang được cách ly theo quy định, cũng như thường xuyên được cán bộ y tế địa phương đến khám sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày tại nhà. Ngành y tế huyện Phú Lộc đã phun thuốc khử trùng tại nhà và khu vực lân cận của 5 người dân này. UBND huyện Phú Lộc kiểm tra và xác định, 5 người dân này sống và làm việc cách vùng dịch xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) khoảng 70km.

Theo Bộ Y tế, tính tới cuối giờ chiều 16-2, cả nước vẫn ghi nhận 16 người dương tính với virus nCoV, trong đó Vĩnh Phúc có 11 trường hợp; TPHCM 3 trường hợp; Khánh Hòa và Thanh Hóa mỗi địa phương có 1 trường hợp. Đến nay đã có 7 người mắc Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Cả nước còn 61 ca nghi nhiễm Covid-19 đang được cách ly và theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế.

Tin cùng chuyên mục