Nhà nông đương mùa cày cấy, nhưng cũng không quên mùa đá banh. Hết chuyện ngoài đồng thì bàn đến chuyện đá banh, rồi mấy anh cầu thủ chân tiền chân hậu. Cũng bởi mấy năm mới có một lần mà rộn ràng, xôn xao cả xóm nhỏ.
Nhà nông trông bóng đá
Xong việc ngoài đồng, mớ rau trong vườn thì cũng đến bữa cơm chiều, chừng 8, 9 giờ tối là nhà nào nhà nấy lo đóng cửa ngủ, cả xóm lặng yên. Nhà nông ngủ sớm, dậy sớm đã quen con mắt. Vậy mà, mùa World Cup, mấy quán cà phê cũng chịu chơi mở sáng đêm cho khách coi, ai không ra quán thì ở nhà cũng coi tivi trực tiếp bóng đá. Lâu lâu nghe tiếng reo hò, là biết thế nào cũng có một pha ghi bàn của đội tuyển nào đó.
Coi đá banh cũng như làm đồng, cũng chuẩn bị, sắm sửa đủ thứ, nhất là trà với cà phê. Nhà nào chịu chơi hơn thì sắm hẳn cái tivi mới thiệt to coi cho đã con mắt. Để dành từ vụ lúa cuối năm ngoái, rồi tiền mừng tuổi hồi tết của con cháu trong nhà, chú Tư (Nguyễn Văn Tư, 54 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) gom lại chờ sắm tivi mới để hội này coi đá banh. “Thiệt ra là cái tivi ở nhà cũ với nhỏ quá, cũng muốn mua cái mới mà bà nhà chần chừ hoài. Thôi sẵn dịp này sắm luôn cái thiệt bự, coi đá banh cho đã”, chú Tư chia sẻ về cái tivi mới toanh, mua được hơn tuần.
Còn chú Năm Thành, hàng xóm với chú Tư thì vừa cười vừa khoe mớ trà với cà phê thủ sẵn: “Bữa nào siêng thì pha cà phê, còn làm biếng thì nấu nước nóng cũng có bình trà uống ấm bụng. Hai ông già coi rồi nói chuyện hủ hỉ với nhau, đá banh này thì đờn ông mê chứ mấy bà hông có khoái. Tui với ông Tư cũng có tuổi rồi, ra quán ngồi xúm xít với tụi nhỏ cũng ngại, nên mua sẵn vầy ở nhà vừa uống vừa coi, nay ông Tư chịu chơi sắm tivi mới, bự chảng không thua gì mấy quán cà phê đâu à”.
Cũng bởi bóng đá là môn thể thao vua, nhà nông cũng trông bóng đá như người hâm mộ thứ thiệt. Quanh năm gắn với ruộng đồng, hết lo lúa thóc thì tới chuyện ao tôm, ao cá… Ấy vậy mà nghe nói có đá banh trên tivi, chú Dư (Đỗ Văn Dư, 52 tuổi, ngụ ấp 3 xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cũng trông chờ rồi canh chừng coi từng trận đấu như đợi mưa mà gieo, sạ lúa. “Đá banh này tới 4 năm mới có một lần, phải coi hết chứ bỏ sót trận nào cũng tiếc. Nói nông dân chứ mấy anh cầu thủ nổi tiếng bên nước ngoài tui cũng biết à”, chú Dư nói.
Chuyện banh bóng người ta đá đâu tận nước ngoài, vậy mà nghe tin có đá banh thì hầu hết cánh đàn ông đều chờ coi cho bằng được. Mấy quán cà phê cũng tranh thủ dịp này, mở bán gần như sáng đêm để phục vụ khách coi đá banh. Người lớn tuổi thích ngồi nhà coi, cánh thanh niên lại hẹn nhau ra quán vì không khí đông vui, xôm tụ. Quán cà phê ngoại thành đơn giản chỉ một chỗ ngồi cùng tivi trực tiếp bóng đá là đủ sức hút khách, “Lâu lâu mới có một lần, quán mở cửa tới gần sáng luôn để khách coi thoải mái, bù lại mình cũng kiếm được bộn bộn, chứ ngày thường thì khách lai rai thôi”, chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, chủ một quán cà phê tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) cho hay.
Xóm công nhân cũng rần rần
Nhà nông làm nhiêu ăn nhiêu, nay không làm thì mai làm nên máu mê coi đá banh đã đành, mấy khu lán trại công nhân ở vùng ven đô cũng rộn ràng không kém. Phường Bình Trưng Đông (quận 2) đang đà xây dựng khu đô thị mới nên ngổn ngang công trường xây dựng. Mỗi block nhà là hàng trăm công nhân làm việc, ăn, ngủ tại công trường. Chấp nhận làm ngày làm đêm, tiết kiệm từng đồng lương chắt chiu gửi về cho đám nhỏ ở quê nhà đi học là vậy, nhưng mùa World Cup họ cũng chộn rộn không yên và chịu chi không kém để hòa vào niềm vui chung của thế giới.
Dân công trình, 6 rưỡi, 7 giờ tối mới tan làm là chuyện bình thường, bởi vậy mà dạo World Cup chẳng hiếm những anh, những chú trên người còn nguyên bộ quần áo và giày bảo hộ lấm lem nào cát, nào hồ vội ghé quán cà phê bình dân gọi tô mì gói, vừa ăn vừa chăm chú nhìn theo trái bóng lăn. Thi thoảng gặp những pha sút hụt, những bàn tay chai sạn vỗ đét vào đùi, làm bụi cát bay mù mịt. Anh Trần Văn Ca (công nhân xây dựng, quê Trà Vinh) tâm sự: “Tui mần ở đằng kia, nghe tiếng còi bắt đầu trận đấu mà nôn nao quá chừng. Được cái mấy sếp cũng tâm lý, cho anh em nghỉ sớm đặng coi vài trận lấy tinh thần mai mần việc tiếp”. “Mình coi vậy rồi khuya quá thì sao ngủ đủ giấc mai đi mần?”. “Bởi, trận cuối trong ngày khuya lắc khuya lơ sao coi cô ơi, tụi tui tranh thủ coi trận sớm thôi, còn lại thì hôm sau xem kết quả. Má con nó ở nhà biết tui thức đêm coi đá banh cũng rầy dữ lắm, nhưng cả thế giới người ra rần rần, trong lòng mình cũng chộn rộn lắm”.
Hiệp 1 trận Đan Mạch với Australia kết thúc, anh Ca và vài anh em cùng công trường vội chạy về lán tắm rửa để chuẩn bị ra coi hiệp tiếp theo. Trước khi đứng dậy, anh không quên nhắc chị chủ quán pha sẵn ly cà phê đen đá để tỉnh táo theo dõi nốt trận bóng. Xốc lại bộ bàn ghế, quét mớ cát vương ra từ bộ đồ, đôi giày thợ công trình rơi vãi dưới thềm, chị Tư Bình, chủ quán cà phê vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh vừa nhìn theo bóng những người đàn ông lam lũ đi vào lán, vừa than thở: “Bình thường mấy ổng tiết kiệm lắm, chả mấy khi la cà phê cà pháo gì đâu, lúc nào cũng lo làm tăng ca tăng giờ đặng có thêm đồng ra đồng vô gửi về nhà. Từ bữa có đá banh, tui mới thấy mấy ổng xài sang, chi tiền uống cà phê đồ các kiểu. Thôi thì cũng coi như thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để có động lực mà làm việc”.
Không gần quán cà phê như những công trình xây dựng khác, muốn đi coi đá banh thì phải lội bộ cả cây số, bởi vậy mà nhóm công nhân đang làm việc tại một công trình xây cao ốc thuộc phường Phú Hữu (quận 9) quyết “chơi lớn”, hùn tiền mua chiếc tivi cũ giá gần 2 triệu đồng để chào đón mùa World Cup 2018. Khu lán trại của 31 công nhân này nằm lọt thỏm trong một khu đô thị mới, nhà cửa còn thưa thớt, đường sá tối thui không mấy người qua lại nên thường ngày yên ắng lắm. Vậy mà từ bữa khai mạc World Cup đến nay cũng rộn ràng tới quá khuya, những giọng hô cổ vũ vọng đi từng đợt. Chiếc tivi được đặt trên vỉa hè, hàng chục công nhân kéo ra xem, người đứng, người ngồi, người tranh thủ tắm giặt, người đem cả bếp ra nấu ăn… Dù ánh sáng mờ ảo từ cây đèn đường phía xa hắt vào thưa thớt bởi phải len lỏi qua hàng phượng vĩ nhưng không khí nơi đây như đang có hội.
“Coi bộ tranh thủ vầy mà vui à nghen, vừa được coi đá banh, vừa được việc cá nhân. Trận đầu mấy thằng thanh niên cũng chịu khó đi bộ ra quán cà phê tuốt ngoài đầu đường để xem màn hình lớn nhưng đi một lần là ngán hà. Ở lại lán, mệt thì vào chợp mắt một lúc rồi ra coi tiếp hoặc chọn trận nào hay mà coi chứ đi đâu xa chi cho cực”, anh Lương Xuân Hòa (thợ hồ, quê Bình Phước) tâm sự. Câu chuyện vừa dứt cũng là lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, các chị phụ nữ trong lán đã chuẩn bị xong bữa cơm tối, mọi người quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa rôm rả tranh luận về pha phạt đền hay bàn thảo về lối chơi của các cầu thủ, rồi mạnh ai nấy dự đoán đội nào vào chung kết, đội nào hạng nhất, hạng nhì.
“Ngày thường đâu được vậy, ai về sớm thì ăn sớm, về trễ thì ăn trễ, mạnh ai nấy sinh hoạt. Nhờ có bóng đá mà mọi người trong khu lán quây quần bên nhau như một gia đình lớn, ấm áp lắm”, chị Cao Thị Thọ (quê Nghệ An) làm nghề phụ hồ nhìn những đồng nghiệp của mình mà lòng trào dâng cảm xúc.
Mùa World Cup này, lâu lâu lại nghe chú Tư, chú Năm Thành nhắc khéo đám nhỏ trong nhà: “Coi cho vui thôi nha bây, nhà nông ăn chắc mặc bền, ham cá độ là bán lúa giống nha con”. Bởi vậy, chuyện banh bóng cũng nhiều phen làm người ta nghẹt thở, vì vui và cũng vì… buồn.