Xa mà gần

“Họ ăn, mặc và làm đẹp” là tiêu đề một bài viết khá thú vị về cộng đồng người Việt tại Ba Lan được đăng tải trên trang tin onet.pl. Tác giả bài viết đã điểm lại quá trình hình thành của cộng đồng người Việt ở quốc gia châu Âu này cũng như đánh giá cao những đóng góp của người Việt vào sự đổi thay của xã hội Ba Lan từ những năm 1990 trở lại đây.
Xa mà gần

“Họ ăn, mặc và làm đẹp” là tiêu đề một bài viết khá thú vị về cộng đồng người Việt tại Ba Lan được đăng tải trên trang tin onet.pl. Tác giả bài viết đã điểm lại quá trình hình thành của cộng đồng người Việt ở quốc gia châu Âu này cũng như đánh giá cao những đóng góp của người Việt vào sự đổi thay của xã hội Ba Lan từ những năm 1990 trở lại đây.

Để cộng đồng người Việt trở thành một phần của văn hóa Ba Lan như ngày nay, phải kể đến thế hệ các sinh viên Việt Nam được gửi sang Ba Lan từ trước năm 1989. Đến năm 1990, rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam quyết định ở lại Ba Lan sinh sống. Rất nhiều công ty tư nhân của người Việt được thành lập. Sự hưng thịnh của các công ty Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu từ các cửa hàng nhỏ bán đồ Việt Nam, và thường thấy trong các số này là các cửa hàng ăn. “Người Việt Nam đã thực hiện cuộc cách mạng về ẩm thực đối với chúng ta. Họ giới thiệu và phục vụ các món ăn ngon, bổ, rẻ”, bài báo viết. Ba Lan có lẽ là quốc gia duy nhất tại châu Âu mà đồ ăn châu Á, chủ yếu là đồ Việt Nam. Một trong những món ăn nổi tiếng của Việt Nam là nem (chả giò) đã trở thành một món ăn được nhiều người Ba Lan ưa thích. Phở cũng trở nên rất đỗi thân quen với người Ba Lan. Không có thành phố nào của Ba Lan không có ít nhất một quán ăn Việt.

Chương trình văn nghệ Xuân yêu thương Warszawa

Ba Lan là quốc gia có đông cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu (chỉ sau Pháp và Anh). Theo một thống kê của Hội người Việt Nam tại Ba Lan, hiện nay có khoảng 30.000 - 40.000 người Việt. “Họ có cộng đồng riêng, tờ báo riêng tại Ba Lan và cả câu lạc bộ bóng đá riêng”, bài báo cho hay. Khảo sát của các nhà xã hội học người Ba Lan cho biết phân nửa số người Việt trẻ được sinh ra tại Ba Lan có cách suy nghĩ như người Ba Lan, cứ 9 cặp thì có 1 cặp nói chuyện với nhau bằng tiếng Ba Lan. Họ đã giành được các giải Olympic tại trường học không chỉ ở toán học, mà còn ở cả tiếng Ba Lan. Cách đây không lâu, Chủ tịch Hội sinh viên Ba Lan tại Trường Đại học Havard là người Ba Lan gốc Việt.

Một quán phở tại Ba Lan

Người Việt cũng tạo được dấu ấn trong văn hóa Ba Lan, đầu tiên là bộ phim Máu của tôi của tác giả Marcin Wrona và Hà Nội - Warszawa của Katarzyna Klimkiewicz. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại sự tiếp cận một chiều trong giao lưu văn hóa Ba Lan - Việt Nam. Tại Việt Nam, sách của Ba Lan được dịch và xuất bản khá nhiều, trong khi tại Ba Lan, chỉ những nhà nghiên cứu mới tiếp cận nhiều văn hóa Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 4.000 người đã từng tốt nghiệp tại các trường đại học của Ba Lan, trong số đó có nhiều người từng giữ các vị trí lãnh đạo trong bộ máy chính quyền của Việt Nam. Khi các đoàn của Ba Lan sang thăm và làm việc tại Việt Nam, có dịp gặp gỡ, những du học sinh Việt ngày nào vẫn sử dụng lưu loát tiếng Ba Lan. Chính những con người này cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan là cầu nối để 2 quốc gia dù có xa cách về địa lý nhưng vẫn luôn gần gũi nhau về tình cảm, củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục