Xác định vị thế phim truyện truyền hình Việt

Sản xuất ồ ạt, nội dung khai thác dễ dãi, khán giả quay lưng... khiến số lượng phim Việt trên sóng truyền hình ngày càng giảm về số lượng lẫn chất lượng. Không ít người nhận định: Phim Việt đang dần thoái trào, đi đến điểm chết và từ lâu đã mất hẳn chỗ đứng trong lòng khán giả Việt. Vậy đâu là lời giải đáp cho điều này?
 Bộ phim Người phán xử nhận được nhiều quan tâm của công chúng
Bộ phim Người phán xử nhận được nhiều quan tâm của công chúng
Phim Việt thoái trào?
Ngày càng hiếm có những bộ phim hay, lôi cuốn người xem. “Thoái trào” là một định nghĩa khiến người làm phim Việt e dè và băn khoăn, buộc khán giả và người làm nghề phải nhìn nhận lại chặng đường phim Việt phù hợp hay chưa? 
Biểu hiện của sự thoái trào có thể thấy rõ ở những website xem phim online - nơi đang thu hút đông đảo khán giả hiện nay. Chỉ cần điểm qua vài địa chỉ xem phim, khán giả có thể thấy, phim nước ngoài đang chiếm ưu thế; rất ít, thậm chí là rất hạn chế những tên phim Việt, hình ảnh phim Việt được giới thiệu trên các website này.
Một biểu hiện rõ nét nữa đó là bảng xếp hạng các bộ phim được khán giả Việt yêu thích, theo dõi trong năm 2016 (theo tổng kết của Google Trends), hầu như phim Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đang dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Trong đó, phim Việt chỉ kịp góp mặt duy nhất Trận đồ bát quái (của Đài Truyền hình Vĩnh Long).
Biểu hiện của sự thoái trào còn có thể thấy ở một số kênh truyền hình (HTV, Gia đình, Phụ nữ, Today TV…) là khung giờ phát sóng phim Việt trong tuần hoặc ở một số ngày trong tuần không còn là khung giờ vàng, thay vào đó là chương trình gameshow. Điều này cho thấy thị trường phim Việt đang thực sự bất ổn.
Ông Bùi Minh Hoàng, Giám đốc Hãng phim Hoàng Thần Tài, chia sẻ: “Đầu ra phim Việt hiện tại rất khó khăn, việc thua lỗ diễn ra nhan nhản... là điều khiến những người làm phim không còn mấy mặn mà với phim Việt. Thực sự thị hiếu của khán giả rất khó nắm bắt”.
Tuy nhiên, theo số liệu đo lường khán giả được công bố từ hệ thống đo lường Vietnam Tam, có thể thấy kết quả hoàn toàn khác; một số khung phim Việt vẫn giữ được khán giả ổn định, cụ thể: Khung giờ vàng phim Việt trên Đài Truyển hình Vĩnh Long (ở thị trường TPHCM) luôn giữ mức 4.0 - 6.5; đặc biệt, khung giờ phát sóng phim Việt trên VTV thời gian qua luôn giữ mức ổn định, không ít phim tạo được cơn sốt “khủng” với con số rating đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử phim truyền hình (trên 10.0) đó là các phim: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng…
Hạn chế phim Việt 
Đạo diễn, biên kịch Bùi Ngọc Nam Phương chia sẻ: “Sự đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung thuần Việt, đậm bản sắc Việt, từ chọn lựa bối cảnh đến việc chọn diễn viên... đã làm nên những điểm mạnh của phim Việt”. Thực tế, người Việt vẫn khao khát xem những bộ phim Việt bản sắc, chất lượng. Vì phim Việt mới chính là câu chuyện của người Việt, nói lên tâm tư đời sống, mang hơi thở cuộc sống xã hội của người Việt. Hay nói khác hơn vì “chúng ta như thấy mình ở trong đó”.
Khán giả dễ cảm nhận được tình cảm gần gũi như chính cuộc sống của mình, những bài học về tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế. Với những bộ phim thuộc thể loại phim xưa, rất nhiều khán giả cho biết, họ như được chạm vào quá khứ của chính mình… Tất cả đã tạo nên một vị thế rất riêng của phim Việt trong lòng khán giả Việt.
Như đã đề cập ngay từ đầu, phim truyền hình Việt thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế mà khán giả và người làm nghề dễ dàng nhận ra. Nội dung đề tài kịch bản chưa thực sự phong phú, nhiều câu chuyện trùng lắp hay phải vay mượn. Đội ngũ biên kịch phần lớn là tay ngang chưa phải là những cây viết chuyên nghiệp cho việc sản xuất phim dẫn đến những kịch bản với câu chuyện lỏng lẻo, lời thoại nhạt, vô thưởng vô phạt. Ngoài ra, diễn viên tay ngang cũng được ưu ái lựa chọn vì thù lao rẻ hơn; trong khi chuẩn mực về sự lựa chọn diễn viên ở một số nhà làm phim đôi khi chưa đồng bộ với khả năng diễn xuất. Một vấn đề nữa đáng quan tâm, là việc đầu tư sản xuất thấp.
Mức chi phí thấp buộc nhà sản xuất phải cắt giảm nhiều khoản đầu tư, thời gian sản xuất nhanh, khiến cho những thước phim “non nghề” ra đời để đảm bảo cân đối bài toán thu chi. Và tất nhiên, chất lượng không thể như mong đợi.
Khán giả Việt không quay lưng lại với phim Việt, mà chỉ những bộ phim kém chất lượng mới bị đào thải một cách nhanh chóng. Nhu cầu thưởng thức của khán giả đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng của các tác phẩm. Một số bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, tạo nên những cơn sốt và thực sự chinh phục được người xem thời gian qua đã khẳng định phim Việt hoàn toàn có thể gây bão trong ngành giải trí và trở thành hiện tượng của phim truyền hình Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục