Xâm hại trẻ em - không thể khởi tố vụ án nếu chỉ căn cứ vào lời khai

Đó là giải thích của Thiếu tá Lê Đức Song, Phó Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp, Công an huyện Hóc Môn. Từ 2017 đến quý 1-2019, huyện Hóc Môn xảy ra 15 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong đó, có 3 vụ không khởi tố được và 2 vụ đang xác minh. 

Ngày 19-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM giám sát về tình hình thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trân, Phó Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Hóc Môn cho biết, dân số của quận là gần 430.000 người, trong đó có gần 94.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Từ 2017 đến quý 1-2019, huyện xảy ra 15 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong đó, có 3 vụ không khởi tố được và 2 vụ đang xác minh.

Theo UBND huyện Hóc Môn, một số trẻ thiếu kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ xâm hại, bạo lực, kỹ năng ứng phó khi có sự việc xảy ra, thiếu sự quan tâm của gia đình đến trẻ. Công tác nắm bắt thông tin liên quan đến các vụ việc trẻ bị bạo lực, xâm hại chưa kịp thời, những tường hợp thiếu sự quan tâm của gia đình dẫn đến trẻ bị bạo lực, xâm hại thường chậm phát hiện.

Xâm hại trẻ em - không thể khởi tố vụ án nếu chỉ căn cứ vào lời khai ảnh 1 Thiếu tá Lê Đức Song, Phó Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Hóc Môn phát biểu trong buổi giám sát về tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: MẠNH HÒA

Thiếu tá Lê Đức Song, Phó Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp, Công an huyện Hóc Môn cho biết: “Tinh thần là chúng tôi luôn tấn công trấn áp loại tội phạm xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, không thể khởi tố vụ chỉ căn cứ dựa trên một lời khai của nạn nhân”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn cho hay, Hội Phụ nữ khi biết, biết trước vụ việc nhưng lại gặp khó khăn khi phối hợp với xã, nên đôi khi còn chậm trong xử lý các vụ việc, dẫn tới một số hộ gia đình nóng lòng, bức xúc.

“Cái người dân quan tâm nhất vẫn là quy trình tiếp nhận xử lý điều tra. Khi gia đình đến cơ quan công an, quy trình xử lý đòi hỏi phải có chứng cứ, đó là cái khó. Trẻ em khi bị xâm hại thì rất hoang mang, lo sợ, nhiều gia đình cũng khó hợp tác. Gia đình không muốn dựng lại hiện trường”, bà Trúc chia sẻ.

Theo bà Trúc, thời gian tới, quan trọng nhất vẫn là cơ chế phối hợp, cần sự phối hợp đồng bộ thống nhất giữa các cơ quan trong xử lý các vụ việc về xâm hại trẻ em.

Tin cùng chuyên mục