Ông Châu Hùng Minh (xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cập cảng tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu) thuyền trưởng tàu QNg-98818 TS, đang tiếp dầu chuẩn bị ra khơi. Ông cho biết: “Tàu hành nghề lưới, mỗi chuyến đi biển tốn 2.000-2.500 lít dầu, tháng trước, giá dầu tăng, không có người đi biển nên rất khó khăn, bây giờ giá giảm, mỗi chuyến tiết kiệm gần 10 triệu đồng nên cả chủ tàu và thuyền viên đều phấn khởi”.
Không chỉ các tàu tại tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu vươn khơi, các tàu cá thu mua hải sản tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Nam cũng vào cảng tiếp nhiên liệu vươn khơi.
Tàu BĐ-94987 TS, 780CV, ngư dân Lê Văn Tý (tỉnh Bình Định) chuyên thu mua hải sản trên biển, tàu thường đi cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, cho biết: “Mỗi chuyến biển, tôi chi phí 2.000 lít dầu, giá dầu giảm sẽ giúp ngư dân có thêm phí để mua đá, nhu yếu phẩm cho chuyến biển. Tàu tôi thu mua hải sản nên cập nhiều cảng, các cảng có giá bán cao hơn thì đưa tàu vào, bán xong liền ra khơi trở lại”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Toàn xã có khoảng 480 tàu cá, khi giá nhiên liệu tăng cao vừa qua khiến cho hơn 1/3 số tàu cá nằm bờ. Bây giờ giá đã giảm, các tàu cá chuẩn bị vươn khơi trở lại, một số tàu cá đang tích cực tìm bạn thuyền để đi cùng sau nhiều tháng nằm bờ”.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), cho biết: “Xã Tịnh Kỳ có 412 tàu cá, đợt vừa rồi giá nhiên liệu tăng nên có khoảng 55 tàu cá nằm bờ, hiện tại, giá đã giảm tạo khí thế động lực để ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày”.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 4.591 tàu cá, tổng công suất 1,8 triệu CV với 38.000 lao động nghề cá, từ đầu năm đến tháng 4-2022 do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá dầu tăng cao, sản lượng giảm, giá bán hải sản thấp, nhiều tàu đi khai thác thua lỗ nên nằm bờ, hoạt động khai thác bị ảnh hưởng nặng, ngư dân gặp nhiều khó khăn, sản lượng thủy sản khai thác trong quý I năm 2022 chỉ đạt 64.138 tấn.