TP Hồ Chí Minh – Thay đổi diện mạo và chất lượng xe buýt

Xe buýt dễ tìm, dễ đi

Đổi màu xe, thay hệ thống nhận diện
Xe buýt dễ tìm, dễ đi

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ngày 19-8 tới đây, hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TPHCM sẽ có 2 sự kiện lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của loại hình vận tải này, đồng thời ghi dấu ấn quan trọng trong việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Ghế ngồi trên xe buýt rộng rãi.

Ghế ngồi trên xe buýt rộng rãi.

Đổi màu xe, thay hệ thống nhận diện

Thực ra, cũng không quá khó để nhận ra xe buýt giữa dòng xe đông đúc của TPHCM. Xe buýt TPHCM hiện đồng loạt khoác một màu xanh đọt chuối non nhìn rất dễ chịu trong cái nắng gay gắt của thành phố. Thi thoảng cũng có vài chiếc màu xanh dương song chúng cũng rất nổi bật và dễ tìm. Tuy nhiên, TPHCM vừa quyết định “dấn” thêm một bước: phân màu xe buýt cho từng hướng tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong việc tìm đi các tuyến xe buýt đúng với yêu cầu của mình.

Theo quyết định về đổi mới xe buýt vừa được UBND TPHCM thông qua, xe buýt lưu thông trên các tuyến đi qua khu vực trung tâm thành phố, cụ thể là chợ Bến Thành sẽ sơn màu xanh nước biển (xanh dương), xe buýt chạy trên tuyến đi qua khu vực Chợ Lớn sơn màu xanh lá mạ non. Tương tự màu xe buýt hiện hữu, xe buýt đi trên các tuyến còn lại trong khu vực nội thành sẽ sơn màu cam và xe buýt chạy các tuyến ngoại thành sẽ khoác chiếc áo màu đỏ. Ông Dương Hồng Thanh giải thích: Sở dĩ chọn màu khá sặc sỡ cho các xe tuyến ngoại thành là do đây là khu vực có nhiều xe ô tô lớn lưu thông. Một sự khác biệt, mang tính chất nổi bật sẽ giúp hành khách nhận ra xe buýt dễ hơn.

Cùng với màu sơn, UBND TPHCM đã cho phép thay đổi logo của xe buýt thành phố. Với hình dáng hai bàn tay ôm tròn và dòng chữ “Buýt Sài Gòn”, TPHCM một lần nữa muốn khẳng định lại trách nhiệm phải phục vụ hành khách chu đáo của lực lượng vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, hàng loạt hệ thống nhận diện xe buýt khác như số tuyến, hành trình đi của xe cũng được làm rõ hơn ở hai bên hông xe cũng như ngay trước đầu và đuôi xe. Vào ban đêm, quanh số hiệu xe sẽ được chiếu sáng để từ xa, hành khách đã có thể nhận thấy chiếc xe trong lộ trình đi của mình.

Đặt camera, gắn thiết bị bán vé tự động

Không phải 1 mà sẽ có đến 3 camera được gắn trên xe buýt. Trong đó, một chiếc sẽ được gắn để theo dõi hoạt động cũng như thái độ phục vụ hành khách của tài xế, một chiếc nữa theo dõi việc mua, bán vé ở khu vực thùng bán vé tự động và chiếc thứ 3 dùng quan sát tình trạng an toàn trật tự của hành khách. Theo ông Dương Hồng Thanh, chiếc camera cuối giúp ngành chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi trộm cắp, móc túi trên xe buýt.

Sàn xe thấp, thuận tiện cho mọi lứa tuổi lên xuống xe và số tuyến xe được ghi ngay trên cửa lên. Ảnh: Kim Ngân

Sàn xe thấp, thuận tiện cho mọi lứa tuổi lên xuống xe và số tuyến xe được ghi ngay trên cửa lên. Ảnh: Kim Ngân

Thùng bán vé tự động được đặt ngay gần cửa lên xe. Hành khách bỏ tiền vào thùng và chủ động lấy vé. Với thiết bị này, Sở GTVT hy vọng xử lý triệt để tình trạng gian lận vé xe buýt của một bộ phận không nhỏ tiếp viên và giúp hành khách tiện lợi hơn trong việc sử dụng xe buýt.

Một cải tiến quan trọng khác của xe buýt TPHCM, đó là từng bước thay thế xe buýt có sàn lên xuống cao, rất bất tiện cho hành khách, đặc biệt hành khách là người khuyết tật, người già và trẻ em, bằng xe buýt sàn thấp. Việc tuy nhỏ nhưng đây là một nỗ lực rất lớn của các đơn vị vận tải, nhất là các HTX bởi đầu tư cho xe buýt sàn thấp cũng đồng nghĩa với việc không thể dùng xe buýt “kiếm thêm” từ các hoạt động vận tải khác, như đưa đón khách du lịch, chuyên chở hành khách đi các tỉnh xa.

Tất cả những thay đổi trên sẽ được tiến hành từng bước và bước đi đầu tiên sẽ được tiến hành vào ngày 19-8. Trước mắt, toàn bộ 21 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu thay cho xăng dầu sẽ được đưa vào hoạt động trong tuyến xe buýt số 1: Chợ Lớn - Bến Thành với màu sơn xanh lá mạ non, thay thế toàn bộ số xe buýt cũ. Cùng ngày, một tuyến xe buýt mới hoàn toàn cũng sẽ được khai trương, chạy trên đường Võ Văn Kiệt đi từ Bến xe miền Tây tới chợ Bến Thành với những chiếc xe buýt màu xanh nước biển (xanh dương), sàn thấp có camera cùng thiết bị bán vé tự động. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2011 TPHCM sẽ tiếp tục thay đổi diện mạo, chất lượng phục vụ của khoảng 1.000 xe buýt nữa (bằng cách nâng cấp các xe buýt hiện có). Số xe buýt còn lại sẽ được thay đổi dần theo lộ trình thực hiện dự án đổi mới hơn 1.600 xe buýt đang được Sở GTVT nghiên cứu xây dựng.

An Nhiên


  • Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Tất cả sở, ngành, quận, huyện phải vào cuộc

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải vừa cùng với Báo SGGP tổ chức thành công hội thảo “Làm thế nào để xe buýt trở thành phương tiện đi lại chính của người dân?”. Với tâm huyết của người chủ trì chính hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP nhân sự kiện TP tiến hành đổi mới toàn bộ hệ thống xe buýt.

Giá vé và lộ trình xe buýt chạy được ghi bên hông xe. Ảnh: Cao Thăng

Giá vé và lộ trình xe buýt chạy được ghi bên hông xe. Ảnh: Cao Thăng

- Thưa tiến sĩ, ông nhận định thế nào về kế hoạch này của TP?

TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Đây là tín hiệu đáng mừng đối với TP. Tuy nhiên, để thành công, tất cả các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện phải vào cuộc trên tinh thần hỗ trợ Sở GTVT thực hiện tốt nhất kế hoạch cải thiện chất lượng hoạt động của xe buýt mà TP đề ra. Cụ thể, các quận, huyện cùng Sở Tài nguyên - Môi trường cần hỗ trợ ngành giao thông trong việc dành đất làm bến bãi, trạm trung chuyển xe buýt. Riêng các quận, huyện cần tiến hành sắp xếp lại trật tự các vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân đi bộ và tiếp cận với xe buýt. Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu tích hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải vào quy hoạch phát triển đô thị làm sao cho việc kết nối giao thông thuận tiện đến các trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, các chợ đầu mối, sân bay, trường học… Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông có kế hoạch giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân đi xe buýt… Tất cả những công việc nêu trên phải được thực hiện đồng bộ thì mới thành công được.

- Việc kêu gọi các sở, ngành, quận, huyện tham gia hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng đã được nói đến từ khá lâu. Thế nhưng, trên thực tế không có nhiều các đơn vị thực sự tham gia công tác này. Làm sao khắc phục được tình trạng ấy thưa tiến sĩ?

UBND TPHCM cần giữ vai trò chủ trì, gọi tất cả các sở, ngành, quận huyện lên giao từng công việc cụ thể đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc khi các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì sẽ chấn chỉnh được bất cập này. Bên cạnh đó, để các quận, huyện và sở ngành ủng hộ thì bản thân ngành GTVT phải nỗ lực hơn nữa bởi hơn ai hết họ là người chịu trách nhiệm thực hiện chính trong kế hoạch này. Người có trách nhiệm chính nhiệt tình, năng nổ, làm việc hết mình thì mới tập hợp được sự ủng hộ của các đơn vị khác.

* Chị Trần Thị Hồng Liên ngụ tại khu dân cư Bình Lợi, phường 13 quận Bình Thạnh, người đã gần 3 năm (2009 - 2011) sử dụng thường xuyên xe buýt trên tuyến khu dân cư Bình Lợi - chợ Bến Thành - khu dân cư Tân Quy để đi khám bệnh tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, cho biết, vấn đề lớn nhất đối với chị là khoảng cách giữa trạm xe buýt tới bệnh viện. “Với một người có sức khỏe kém như tôi thì phải đi bộ một khoảng cách khá xa là rất mệt. Nhất là khi vỉa hè ở nhiều chỗ đã xuống cấp hoặc bị lấn chiếm gần hết. Giá như tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Y học Cổ truyền, có trạm xe buýt ở gần thì tốt cho các bệnh nhân quá. Tôi cũng mong nhà chức trách giữ cho vỉa hè được thông thoáng. Nhiều khi vỉa hè không còn chỗ đi, tôi buộc phải đi xuống lòng đường, thật nguy hiểm hết sức”.

Chị cũng cho biết, khi xe buýt vắng khách thì tài xế và tiếp viên khá dễ thương nhưng khi đông khách thì thường rất khó chịu.

Tâm Đức thực hiện


  • Nhiều quận, huyện, sở ngành đã hỗ trợ xe buýt

Liên tiếp trong thời gian gần đây, Sở GTVT, Trung tâm Điều hành VTHKCC nhận được văn bản chấp thuận vị trí xây dựng bến bãi dành cho xe buýt từ nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ngày 23-7-2011, Sở Tài chính, UBND huyện Hóc Môn đồng đề xuất UBND TPHCM chuyển giao khu đất khoảng 440m2 trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thuộc danh mục nhà đất do UBND huyện Hóc Môn quản lý sang cho Sở GTVT đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe buýt theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP. Sau đó chỉ 5 ngày, UBND huyện Củ Chi thông báo, chấp thuận quy hoạch bến xe Củ Chi tại ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội với quy mô 12 ha, đồng thời tạm đồng ý (trong khi chờ ý kiến cuối cùng của Ban Chỉ đạo 09 TP về xử lý đất công) giao Sở GTVT sử dụng 1.000m² đất tại xã Trung An làm điểm trung chuyển xe buýt trong thời gian một năm. Trong thời gian tạm thời này, UBND huyện Củ Chi sẽ phối hợp với Sở GTVT tìm một địa điểm khác có tính chất ổn định, lâu dài làm điểm trung chuyển cho xe buýt…

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của Sở GTVT cho biết, dẫu chưa nhiều nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ việc phát triển VTHKCC đã nhận được sự quan tâm của nhiều sở, ngành và địa phương.

Minh Nhiên

  • 1.600 xe buýt sẽ được đổi mới

Theo chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM, dự án đổi mới hơn 1.600 xe buýt của TP đang được đưa ra lấy ý kiến các quận huyện và sở ngành liên quan. Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết, 1.318 xe buýt được đầu tư từ dự án đổi mới xe buýt TP những năm 2002 - 2003 đã bắt đầu xuống cấp và nhiều xe đã có biểu hiện hư hỏng nặng như thải khói đen, thùng xe bị thủng… Chính vì vậy, một dự án đầu tư xe buýt mới đã được xúc tiến triển khai.

Trong dự án đầu tư mới 1.600 xe buýt lần này, các đơn vị vận tải đề xuất được trả trước 30% trong tổng chi phí mua xe; 70% còn lại sẽ vay ngân hàng và trả chậm trong vòng 7 năm. Lãi suất vay dự kiến 18%/năm. Các đơn vị vận tải xin chỉ phải trả 5%/năm, ngân sách thành phố hỗ trợ phần lãi suất 13%/năm.

Theo ông Lê Trung Tính, nếu các con số trên không thay đổi, trong 7 năm, TP chỉ phải chi ra khoảng 770 tỷ đồng là sẽ có 1.600 xe buýt mới đi vào hoạt động. Đây là một khoản chi không lớn cho một mục tiêu rất lớn, đó là nâng chất hoạt động vận tải hành khách công cộng, hướng tới chống kẹt xe, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra.

1.600 xe buýt này dự kiến sẽ được dùng để thay thế cho số xe buýt cũ của 15 đơn vị vận tải đang hoạt động trên 85 tuyến xe buýt của TPHCM.

Sơn Lam

Ý kiến: Trông người lại ngẫm đến ta

Cho đến cuối tuần qua, Sở GTVT TPHCM, Liên hiệp HTX xe buýt TP - đơn vị đứng đơn xin được TP hỗ trợ đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG khẳng định: chưa có động thái gì mới từ phía Sở Tài chính mặc dù dư luận cũng như chính Sở GTVT cùng nhiều đơn vị vận tải hành khách công cộng đã lên tiếng yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu lại quyết định của mình. Quyết định của Sở Tài chính nói “không có cơ sở” cho việc xin hỗ trợ của Liên hiệp HTX xe buýt TP.

Như Báo SGGP đã đưa tin, đề xuất của Liên hiệp HTX xe buýt TP khá đơn giản: từ đây đến 2015 liên hiệp sẽ chủ động đầu tư 20 - 50 xe buýt sử dụng khí CNG/năm nhằm dần thay thế toàn bộ số xe buýt đang sử dụng xăng, dầu của đơn vị. Vì chi phí đầu tư xe CNG cao hơn chi phí đầu tư xe chạy bằng xăng, dầu nên Liên hiệp HTX xin được hỗ trợ bằng cách dù xe chạy bằng CNG nhưng Liên hiệp HTX vẫn được nhận trợ giá nhiên liệu như xe chạy bằng xăng, dầu. Giá xăng, dầu cao hơn giá khí CNG, Liên hiệp HTX hy vọng phần chênh lệch này sẽ giúp đơn vị có thêm nguồn lực cho việc đổi mới xe.

Sự im lặng của Sở Tài chính làm cho nhiều chuyên gia trong ngành nhớ đến động thái của Bộ Tài chính - cơ quan quản lý chuyên ngành của Sở Tài chính - trong một tình huống tương tự. Câu chuyện xảy ra cách nay đúng 1 năm. Vào khoảng giữa tháng 8-2010, sau khi nhận được công văn của UBND TPHCM xin được miễn thuế nhập khẩu đối với 21 chiếc xe buýt chạy bằng CNG (số xe do Công ty Xe khách Sài Gòn đầu tư, sẽ được đưa vào hoạt động trong dịp 19-8-2011 sắp tới), Bộ Tài chính đã có văn bản số 10940/BTC-CST gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Bộ Tài chính nói rõ: Căn cứ vào pháp luật về thuế xuất, nhập khẩu, về ưu đãi hỗ trợ hoạt động môi trường cùng nhiều pháp luật liên quan khác, đề xuất của UBND TPHCM không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên việc sử dụng ô tô thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu khí thải với chi phí vận hành thấp để phục vụ cho hoạt động VTHKCC là hoạt động cần khuyến khích trong bối cảnh môi trường và sự khan hiếm năng lượng ngày càng trở nên bức xúc. Do vậy, để hỗ trợ hoạt động nhập khẩu phương tiện thân thiện với môi trường, Bộ Tài chính trình Thủ tướng chấp thuận miễn thuế nhập khẩu đối với xe buýt chạy bằng khí CNG như đề xuất của UBND TPHCM. Rõ ràng, nếu không sự quyết liệt và năng động của Bộ Tài chính thì làm sao TPHCM có được những chiếc xe buýt chạy bằng khí CNG mà người dân thành phố đang chuẩn bị hân hoan đón mừng?

Trách nhiệm thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật là việc nên làm và phải làm của các sở, ngành. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa “đóng khung” mọi quy định nhất là khi dòng chảy của cuộc sống đang cuồn cuộn trôi. Chẳng phải chủ trương của Thành ủy, UBND TPHCM luôn khuyến khích sự năng động sáng tạo đề xuất những giải pháp có tính đột phá để giải quyết các vấn đề sôi động của cuộc sống? Đã có chủ trương, đã có tiền lệ giải quyết vấn đề từ Bộ Tài chính. Mong rằng Sở Tài chính sớm có quyết định phù hợp, sáng suốt.

Nguyễn Khoa

Sổ tay: Tiếc…

Cách đây khoảng 3 tháng, TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, điều phối viên của Ban Chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM, vui mừng cho biết, có một khoản tiền khoảng 50 triệu USD từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới cho việc hỗ trợ phát triển VTHKCC nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại TPHCM và Hà Nội đang “nằm” tại các cơ quan hợp tác quốc tế của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công thương.

Tuy nhiên, cuối tuần qua TS Nguyễn Trung Việt lại báo tin không vui: khoản tiền này đã không còn nữa do không có dự án nào được đề xuất thực hiện. Hóa ra, theo các quy định về hợp tác, hỗ trợ, các cơ quan của Việt Nam phải nghiên cứu lập các dự án và chứng minh được tính khả thi của dự án trước các nhà tài trợ thì mới được các nhà tài trợ xem xét và chuẩn y. Đây là một thông lệ quốc tế, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam cũng đã có một số chương trình được thực hiện từ các nguồn tài chính tương tự song không nhiều vì không ít cơ quan liên quan của Việt Nam rất thiếu cán bộ có đủ trình độ chuyên môn để làm các đề án loại này. TS Nguyễn Trung Việt cho biết, nhiều tổ chức phi chính phủ trên thế giới sẵn lòng hợp tác với các quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam trong một mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng để có thể hợp tác với các tổ chức này Việt Nam phải có một đội ngũ chuyên môn tương ứng.

Một trong những nội dung chính trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TP là đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Vẫn biết không thể “một sớm, một chiều” có được đội ngũ cán bộ như mong muốn song vẫn thấy tiếc… cho một cơ hội đầu tư mới của xe buýt TPHCM nếu nó sớm hiện hữu trong một dự án gửi các nhà tài trợ.

Minh Khuê

Tin cùng chuyên mục