
Cuộc chiến dẹp xe dù ở TPHCM đã bước sang một trang mới: các bến cóc dừng đón khách được chuyển từ quận 1 ra quận 2, từ quận 5 chạy sang quận 10; đổi địa điểm liên tục để tránh kiểm tra… Còn ngành chức năng thì loay hoay tìm quỹ đất lập thêm trạm đón, trả khách.

Xe Toàn Thắng tranh thủ giờ biển cấm hết hiệu lực rước khách trên đường Mai Chí Thọ
Nhiều kiểu lách mới…
Khảo sát của phóng viên Báo SGGP những ngày qua cho thấy, nhiều hãng xe từ TPHCM đi Vũng Tàu nằm trên đường Nguyễn Thái Bình vẫn hẹn khách đến văn phòng trong nội thành. Từ đây, thay vì chở khách trung chuyển ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu theo đúng quy định của pháp luật thì xe của hãng này lại chở khách đi qua hầm Thủ Thiêm, hướng về quận 2. Đến cầu Thủ Thiêm, xe vòng xuống đi dưới dạ cầu và sau đó… chuyển hành khách cho những chiếc xe Hoa Mai khác lớn hơn đang chờ ở đấy. Khi xe lớn đầy khách, tài xế nổ máy và xe lăn bánh đi thẳng Vũng Tàu.
Cùng địa điểm sang chuyển khách với hãng xe Hoa Mai còn có các xe của hãng Toàn Thắng, Thiên Phú… Tuy nhiên, những địa điểm trung chuyển khách nêu trên thay đổi liên tục nhằm tránh sự kiểm tra của ngành chức năng. Hôm nay vừa mới thấy hãng xe Hoa Mai, Toàn Thắng, Thiên Phú đón trả khách ở dưới dạ cầu Thủ Thiêm, hôm sau đã thấy chuyển điểm đón trả khách tới khu vực gần hầm vượt sông Sài Gòn. Thậm chí, vào thời gian đường Mai Chí Thọ không cấm dừng, đậu (đường Mai Chí Thọ chỉ cấm xe dừng đậu vào những giờ cao điểm) thì nhiều xe đã tranh thủ rước khách ở đây. Cũng các hãng xe trên, khi chở khách từ Vũng Tàu về TPHCM, thay vì phải trả khách ở bến xe khách liên tỉnh, đã đến đường Võ Văn Kiệt (đoạn giao với Phó Đức Chính, quận 1) cho khách xuống.
Trên đường Lê Lai (ngay khách sạn New World) từ khi có biển cấm dừng, đậu, hãng xe Cao Lâm - vốn thường đón khách đi Phan Thiết - đã chuyển xe đến đón khách ở đường Huyền Trân Công Chúa. Còn trên đường Lê Hồng Phong (quận 5), sau khi có lệnh cấm thì hãng xe Thành Bưởi đã “biến” Công ty Giày Sài Gòn (đường Vĩnh Viễn, quận 10) thành nơi đón khách của mình. Xe Thiên Phú dời điểm đậu, rước khách ra đường Lương Định Của (quận 2). Xe Phương Trang dời ra đường số 15 (phường Tân Hưng, quận 7) để đưa đón khách đi các tỉnh miền Trung. Các trạm Phương Trang trên đường Lê Hồng Phong thì cho xe khách 16 chỗ chạy luôn vào trong văn phòng kiêm nhà chờ để rước khách…
Không chỉ dùng “chiêu” đổi địa điểm đón khách, nhiều hãng xe (thực chất là xe chạy liên tỉnh, phải đưa - đón khách ở các bến xe) còn giả bộ làm xe chạy hợp đồng bằng cách không bán vé và thu tiền đi xe ngay đối với hành khách. Họ hỏi tên khách và lập danh sách như là một tập thể thuê xe đi du lịch (xe hợp đồng được đón khách tại nơi khách yêu cầu) để đối phó với ngành chức năng. Chỉ khi xe chạy ra khỏi địa bàn thành phố, nhà xe mới tiến hành thu tiền hành khách.

Xe Hoa Mai lập bến “cóc” dưới dạ cầu Thủ Thiêm (quận 2) để rước khách đi Vũng Tàu Ảnh: Thanh Hải
Cơ quan quản lý nói gì?
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay việc lập thêm các trạm đón trả khách trong khu trung tâm để vừa đảm bảo trật tự giao thông vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và hành khách đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc sở, cho biết đã nhiều lần đi khảo sát, song chưa tìm ra được địa điểm vì đã hết quỹ đất.
Nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch đi lại thuận lợi và các DN có nhu cầu đón trả khách tại các khu vực trên, Sở GTVT đã lập các điểm cho phép xe dưới 25 chỗ đón, trả khách nhưng không quá 5 phút/xe tại một số điểm cố định. Tuy nhiên, chỉ giải quyết được nhu cầu rất nhỏ của DN. Về việc công bố các điểm đón trả khách, Sở GTVT đã khảo sát và tiến hành các bước để triển khai thí điểm một số điểm. Cụ thể, tại khu vực công viên nước Đại Thế Giới, số 1106 đường Võ Văn Kiệt, sẽ bố trí trạm trả khách cho các xe đăng ký chạy tuyến Vũng Tàu, Đà Lạt và các tỉnh miền Tây. Cách hầm vượt sông Sài Gòn khoảng 100m trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) là điểm đón khách của xe trung chuyển từ quận 1 ra. Ngoài ra, dọc trên tuyến xa lộ Hà Nội sẽ có ít nhất từ 3 đến 4 điểm thuộc phường An Phú (quận 2), cầu vượt Thủ Đức, Suối Tiên, Nghĩa trang thành phố, ngã tư Hàng Xanh, quốc lộ 13 (cây xăng Huệ Thiên 2); 140 khu phố 4, phường Tam Bình; Khu chế xuất Linh Trung (quốc lộ 1, quận Thủ Đức)… Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, sau khi được UBND TPHCM chấp thuận các địa điểm trên, sở sẽ mời các đơn vị sở ngành liên quan góp ý trước khi triển khai.

Xe Thành Bưởi lập trạm ngay trong Công ty Giày Sài Gòn (đường Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10)
Được biết, nếu làm theo đúng quy hoạch là phải có các điểm đón trả khách thì thành phố cần quỹ đất tổng cộng là 150ha. Hiện TPHCM đang rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được thấp thì thu hồi lại để làm giao thông tĩnh như bãi đậu xe thông minh, điểm đón trả khách. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng đề nghị, trên địa bàn TPHCM có một số tuyến đường rộng, giao thông không quá căng thẳng như đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Điện Biên Phủ và Phạm Văn Đồng có thể cắm biển cho phép dừng đậu để đón trả khách. Việc đón trả khách cũng nên quy định chỉ cho phép đậu xe 3 - 5 phút để khách lên xuống sau đó xe phải đi, chứ không thể đậu ở đó vài giờ đồng hồ; đồng thời nên quy định vào những giờ cao điểm khi người dân đi làm và tan sở thì không cho phép đậu. Chỉ nên cắm biển cho phép dừng đậu để đón trả khách giống như xe buýt, khi xe của DN nào đến thì hành khách lên xe, chứ không thể cho phép mỗi DN tự lập trạm riêng, vì như vậy bến cóc mới sẽ lại hình thành! Nếu DN nào cũng đề xuất lập trạm riêng và đưa vào khu trung tâm thì rất lộn xộn. Hiện nay, với phương thức bán vé qua mạng, nhà xe chỉ cần hẹn hành khách ra điểm đón xe, khi xe đến là đi thì không có gì khó khăn. Còn về lâu dài, TP cần quy hoạch các điểm đón trả khách hợp lý.
Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cũng đề xuất ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), trong khi xe đậu tràn lan dưới lòng đường thì nên đưa vào trong công viên 23 Tháng 9 để đón trả khách. Nếu làm được như vậy vừa không ảnh hưởng đến tình hình giao thông vừa không ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần phải quy hoạch lại luồng tuyến, bến bãi và điều kiện kinh doanh của loại hình vận tải này mới mong chấn chỉnh được tình trạng xe dù, bến cóc trong nội thành. |
THANH HẢI - QUỐC HÙNG
Quản lý chặt xe dù núp bóng xe hợp đồng du lịch Xe dù thực chất là xe khách liên tỉnh nhưng núp dưới dạng xe hợp đồng, xe du lịch để được đón khách trong nội đô theo yêu cầu của khách (quy định cho phép). Là một trong những chuyên gia hoạt động lâu năm trong ngành vận tải, ông Văn Công Điểm, Thạc sĩ Quản lý đô thị và công trình, đã từng làm tư vấn, quản lý nhà nước trong ngành giao thông vận tải cho rằng, trước hết phải nhắm đến yếu tố này để chống xe dù. Ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS), thống kê lộ trình các xe hợp đồng, xe du lịch. Nếu các xe này chỉ lặp đi lặp lại mỗi ngày trên cùng một hành trình cố định, danh sách số lượng khách thuê xe hợp đồng, xe du lịch không trùng khớp nhau lượt đi và về, thì lập tức ngành chức năng phải vào cuộc xử lý ngay. Có thể dùng các biện pháp mạnh như xử phạt bằng tiền, rút giấy phép kinh doanh đối với các DN vận tải vi phạm. Ngoài ra, cũng nên tham khảo thêm kinh nghiệm của Hàn Quốc: quy định điểm được đón, trả khách của xe hợp đồng và xe du lịch. Tuy nhiên, trước mắt, nếu chưa thể có các điểm đưa đón khách bắt buộc đối với xe du lịch và xe hợp đồng, nên yêu cầu tất cả xe hợp đồng phải vào bến đón khách. Hiện nay, xe hợp đồng đón khách bên ngoài rất dễ trốn thuế, nhất là đối với những hợp đồng chở khách là tập thể, cá nhân không có nhu cầu xuất hóa đơn. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các xe khách liên tỉnh bỏ bến ra đón khách bên ngoài. Hoạt động trá hình này đang làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Về việc Sở GTVT TPHCM đang tìm kiếm quỹ đất để mở thêm các trạm dừng, theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, thay vì xây dựng bãi đậu xe thông thường như hiện nay, nên khuyến khích xây dựng bãi dừng, đậu xe cao tầng hoặc ngầm. Vấn đề còn lại, tổ chức và kết nối giao thông tốt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong nội thành, thuận lợi cho việc đi lại của người dân và DN vận tải. Điều quan trọng nhất, việc chống xe dù, lập lại trật tự vận tải phải được làm liên tục, thường xuyên, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” thì mới thu được kết quả như mong muốn. TÂM ĐỨC |