Xem phim có văn hóa

Theo thống kê của các đơn vị phát hành, khán giả trẻ, đặc biệt trong độ tuổi từ 18-25, chiếm thị phần lớn trong số những người ra rạp. Xem phim là một hình thức giải trí, nhưng đồng thời cũng là hoạt động văn hóa. Và đã có không ít trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.  

Rời buổi ra mắt bộ phim bom tấn Morbius tại TPHCM, chị Hương Lan (ngụ quận 4, TPHCM) kể, suốt buổi chiếu phim, 2 bạn trẻ ngồi kế chị vừa xem phim vừa bật điện thoại sáng trưng để lướt Facebook, trò chuyện với bạn bè, rảnh tay quay sang tám chuyện, lâu lâu lại bình luận về phim rôm rả…

Cũng tại buổi chiếu phim này, chị Hồng Anh (ngụ quận 1, TPHCM) trải qua cảm giác khó chịu theo cách khác. Đang tập trung theo dõi bộ phim, chị giật mình vì ghế của mình bị các bạn trẻ hàng sau đạp chân vào sau vài cảnh phim hành động. 

Văn hóa đi xem phim tại rạp là chuyện không mới. Có vô vàn điều thiếu tế nhị, thậm chí là vô duyên đã và đang diễn ra. Một thời gian dài, các nhà làm phim còn ngao ngán trước tình trạng livestream, chụp ảnh, tiết lộ nội dung sau khi xem phim. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể nhờ các biện pháp răn đe mạnh. 

Xem phim là hình thức sử dụng dịch vụ có trả tiền. Không ít người cho rằng “khách hàng là thượng đế” nên họ có quyền. Nhưng cũng cần nhớ, việc trải nghiệm bất cứ dịch vụ nào đều có những quy tắc và văn hóa riêng. Hầu hết các cụm rạp trước khi chiếu phim đều phát clip về các quy định trong phòng chiếu. Thậm chí, nhiều đoàn phim còn tự thực hiện các đoạn clip này để nhắc nhở khán giả của mình. Ấy vậy nhưng, trong không ít trường hợp mọi thứ vẫn bị bỏ ngoài mắt, ngoài tai.   

Trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến nở rộ, nhiều người chọn ra rạp xem phim vì muốn có những trải nghiệm chỉ có tại rạp chiếu với màn hình lớn, âm thanh sống động. Nhưng khi gặp phải những hành động thiếu văn hóa, trải nghiệm đó đã bị sứt mẻ. Không phải ai cũng thẳng thắn nhắc nhở vì ngại cho chính mình và cả người bị nhắc. Bạn cứ thử tưởng tượng giữa phòng chiếu trăm người, bạn trở thành nhân vật trung tâm của những hành động không đẹp? Và, sự việc sẽ không còn là nhỏ nếu những hành động thiếu văn hóa của bạn như livestream, chụp hình trong rạp chiếu, tiết lộ nội dung phim lên trang cá nhân… sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim.  

Nhiều nhà sản xuất, phát hành mừng vì khi điện ảnh Việt phát triển, thói quen ra rạp, nhu cầu và thị hiếu của khán giả ngày càng được nâng cao. Đó là những tín hiệu tích cực. Những hình ảnh thiếu văn hóa khi đi xem phim có thể chỉ là của một bộ phận nhỏ khán giả, nhưng cũng không quá khó để bắt gặp. Học cách xem phim có văn hóa, tôn trọng chính mình và những người xung quanh cũng là cách góp phần vào sự chuyên nghiệp của môi trường điện ảnh.

Tin cùng chuyên mục