Người chiến sĩ biên cương

Xin hát mãi về anh...

Xin hát mãi về anh...

Trên thực tế, cuộc sống và chiến đấu của người chiến sĩ nơi biên giới Tây Nguyên mùa này không đơn giản và thơ mộng như những bài hát. Đoàn công tác gồm phóng viên các tờ báo SGGP, Công an TPHCM, Mực Tím và Đài Truyền hình TPHCM đã hành quân đến biên giới Việt Nam - Campuchia trong những ngày cuối năm, để mong góp chút lòng của người thành phố với những khó khăn của người lính biên giới.

  • Lễ Pơthi buồn

Đồn 729 (xã IaMơr, huyện Chư Prông, Gia Lai) nằm cách biên giới chỉ vài cây số đường rừng. Tây Nguyên mùa khô thật trơ trụi, những cánh rừng khộp rụng lá vươn cành cong quẹo tạo các hình thù kỳ dị, đây đó sót lại mấy vạt le lá úa vàng. Lòng suối IaLốp cũng không còn nhiều nước nữa.

Xin hát mãi về anh... ảnh 1

Tự tin canh giữ đường biên. Ảnh: C.T.V.

Trung tá Nguyễn Trung Đạt –Bí thư Chi bộ Đồn 729 - buồn rầu kể: “Hôm đó là mùa lũ, tôi nhớ đúng là ngày 18-9-2004, được tin đồng bào cung cấp, một nhóm trinh sát cắt rừng theo dấu nhóm người vượt biên trái phép, khi vượt con suối này thì lũ về. Lũ rừng khủng khiếp lắm, nó cuốn phăng mọi thứ, kể cả những gốc cổ thụ lớn. Hai chiến sĩ của đồn, một quê ở Quảng Ngãi, một là người Jrai địa phương cố vượt suối theo đối tượng, không kịp vào bờ, lũ nhấn chìm, hy sinh rồi!”.

Hỏi chuyện về hai chiến sĩ biên phòng hy sinh, chúng tôi được biết một đồng chí tên là Trần Văn Nhiên, tròn 22 tuổi, còn đồng chí A M Lưm cũng đang độ thanh xuân, là đối tượng Đảng. Các đồng đội của họ kể rằng, sau cơn lũ cuốn kinh hoàng đó, thi thể của Nhiên và Lưm trôi mãi ra sông IaMơr. Nhiên được đưa về quê nhà cùng nhiều kỷ vật riêng, trong đó có những lá thư của người bạn gái trẻ.

Còn A M Lưm, đồng bào làng đã chôn anh ngay khu mộ lớn gần nhà rông. Thông thường, đến ngày lễ Pơthi (bỏ mả), người ta sẽ vật heo, uống rượu vui vẻ, xem như linh hồn người chết sẽ “về với Giàng”. Nhưng với A M Lưm, đồng bào dân tộc thiểu số cho biết sẽ tiếc thương anh bằng cách không mổ nhiều heo và uống rượu lãng phí mà sẽ quyết tâm hơn trong việc chống vượt biên trái phép. Chả là năm qua đồng bào đã cùng A M Lưm và các chiến sĩ Đồn biên phòng 729 “bắt 4 lần với mấy chục người vượt biên theo thằng Kớt, phản bội Giàng rồi đấy”. Một cái lễ Pơthi đầy nước mắt, đồng bào IaMơr sẽ nhớ mãi đến anh!

Đoàn chúng tôi lại di chuyển đến vùng biên giới thuộc xã IaNan, huyện Đức Cơ. Nơi đây, các chiến sĩ biên phòng Đồn 723 đang rất căng thẳng bảo vệ 17km đường biên. Các anh đóng quân trong một khu rừng già vắng vẻ, đầy thú dữ và mầm bệnh, dõi mắt dọc biên giới. Trung úy Trần Huy Ngọc cho biết: “Để đứng chân trên đất này, chúng tôi đều dùng tiếng Jrai, gùi thực phẩm xin vào các làng cùng ở và giúp đỡ đồng bào”.

  • Người gác cửa mùa xuân

“Hổ hay gấu, thậm chí cả voi cũng không đáng sợ bằng tay chân Ksor Kớt, chúng hung ác ngay cả với đồng bào của chính mình”. Trung tá Trần Quang Huy –Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (CSBV&HTTP) Công an tỉnh Gia Lai - bộc bạch. Khi chúng tôi tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đến thăm, cán bộ chiến sĩ (CBCS) của phòng vẫn đang trong tình huống sẵn sàng chiến đấu. Bà con Tây Nguyên vẫn còn nhớ như in trận bạo động do tay chân Ksor Kớt dụ dỗ đồng bào nhẹ dạ hồi tháng 4-2004. Bọn tay chân Ksor Kớt đã tấn công làm 27 chiến sĩ công an bị thương nặng.

Anh Huy kể cho chúng tôi nghe về tình trạng sức khỏe của hạ sĩ Đỗ Thế Thành. Trong đợt ra đường khuyên bảo đồng bào nhẹ dạ ở Gia Lai hôm đó, Thành đã bị một đối tượng dùng đá xanh đập mạnh vào mắt. Đến nay dù được đưa đi nhiều nơi chữa trị, mắt Thành vẫn không thể như xưa, anh trở thành một thương binh thời bình nhưng vẫn quyết tâm xin ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng công an.

Kể làm sao cho hết những khó khăn nguy hiểm mà các lực lượng vũ trang (LLVT) vùng biên giới này ngày đêm đối mặt. Thế nhưng, khi gặp gỡ giao lưu cùng các phóng viên trẻ đến từ TPHCM, những người chiến sĩ trẻ vẫn hồn nhiên cất cao tiếng hát với ánh mắt tự tin canh giữ biên giới. Rượu cần uống mãi không cạn, những bài hát ca ngợi truyền thống cách mạng như âm vang mãi trong lòng chúng tôi.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai xúc động nói: “Các LLVT vùng biên giới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân, tạo mối đoàn kết gắn bó dân tộc sâu sắc. Đồng bào đã không đi theo con đường lầm lạc… chính là những thành tích mà chúng ta không thể diễn tả hết bằng bút mực. Các chiến sĩ trẻ xứng đáng là người canh giữ mùa xuân cho Tổ quốc”. 

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục