Xóa bỏ tâm lý “ôm” vốn về cho chắc

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công vào đầu tháng 4-2022, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Chính phủ phê bình 34 bộ ngành, địa phương đến cuối tháng 3-2022 chưa phân bổ hết kế hoạch được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Đến tháng 5, tình hình tuy có cải thiện, nhưng vẫn còn đến 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, và 18 bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn đã được Thủ tướng giao.

Công bằng mà nói, để đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thì thời gian chuẩn bị phân bổ, giải ngân các dự án lớn thông thường có thể mất hàng năm. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7-2021, nên đến nay, việc vẫn còn bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn được giao là có thể hiểu được. Một số nguyên nhân khác như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao… cũng là bất khả kháng. 

Nhưng tỷ lệ quá thấp, và thậm chí chưa giải ngân được đồng nào, là chuyện rất khó chấp nhận, nhất là khi Quốc hội đã có các nghị quyết cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế - mà trong đó đầu tư công là một trụ cột quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong tình hình hiện nay.

Vì thế, đây chính là lúc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu. Khi giao nhiệm vụ cho 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng cũng đã yêu cầu “xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công”; cần xóa bỏ tâm lý “ôm” vốn về cho chắc.

Cụ thể là nếu không thể sớm phân bổ, sử dụng hết nguồn lực, hoặc điều chuyển được cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn, thì phải báo cáo lại để cơ quan chức năng điều chuyển vốn cho những địa chỉ có thể sử dụng hiệu quả, kịp thời. Đó cũng chính là sự thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương - không phải chỉ là trách nhiệm với riêng ngành mình hay địa phương mình mà còn là trách nhiệm với sự phát triển chung của đất nước. Thêm vào đó, với các dự án sử dụng ngân sách địa phương, cần dứt khoát lựa chọn các dự án thật sự cấp thiết và có hiệu quả, để đảm bảo bố trí vốn tập trung, không dàn trải, manh mún. 

Trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công năm nay còn nặng nề hơn những năm trước. Bên cạnh số vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm (cũng đang chậm), còn một khoản tiền lớn (113.000 tỷ đồng) từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy khoản này được chia ra sử dụng trong giai đoạn 2022-2023, nhưng nếu dồn hết cả gánh nặng của 2 năm sang “vai” năm 2023 thì làm sao nền kinh tế có thể hấp thụ hiệu quả? Dĩ nhiên, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghiêm khắc nhắc nhở, “làm nhanh vẫn phải đúng”.

Xuyên suốt quá trình triển khai, các cơ quan chuyên trách vẫn phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Nâng cao khả năng tham gia của cộng đồng vào việc giám sát thực hiện dự án cũng vẫn là nhiệm vụ thường xuyên không thể lơi lỏng. 

Tin cùng chuyên mục