Di dời ít, phát sinh nhiều
Nhiều năm qua, TPHCM có chủ trương xử lý nghiêm cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường – về khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn, nước thải... Tại “điểm nóng” khu phố (KP) 4, KP5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nơi đây từng có 42 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và năm 2016, hai KP được chọn làm điểm để thí điểm các biện pháp xử lý kiên quyết của TP đối với các cơ sở này.
Đến nay, 16 cơ sở đã di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), các cơ sở khác thực hiện các biện pháp khắc phục và còn 4 cơ sở vẫn bám trụ ở khu dân cư, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
“4 cơ sở này gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Khói bụi, nguồn nước ô nhiễm, đường sá xuống cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực. Đề nghị TPHCM kiên quyết di dời hết 4 cơ sở này”, cử tri Võ Văn Diệp, ngụ KP5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đề nghị.
Tại huyện Bình Chánh, nơi có 3.500 cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay, năm 2018, huyện đã phối hợp với TP kiểm tra, xử phạt 160 cơ sở với số tiền 14 tỷ đồng. Trong quá trình đó, đình chỉ hoạt động 27 cơ sở, di dời 118 cơ sở vào các khu công nghiệp. Huyện đang thống kê 164 cơ sở và tiếp tục di dời trong năm 2019.
Trên toàn địa bàn TPHCM, có 188/504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm; 316 cơ sở đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, trong năm 2018, lại có tới 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Qua khảo sát thực địa, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TPHCM nhận xét, có tình trạng dịch chuyển cơ sở ô nhiễm từ nội thành ra vùng ven, giáp ranh, làm cho chính quyền địa phương xử lý không kịp và người dân bức xúc.
Ông Nguyễn Minh Nhựt dự báo sẽ phát sinh điểm nóng mới về ô nhiễm môi trường.
“Các cơ sở sử dụng trang thiết bị lạc hậu, nằm xen cài trong khu dân cư, mức độ ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng và phát sinh cơ sở mới khó kiểm soát. Ô nhiễm môi trường nổi lên là mùi hôi, tiếng ồn gây bức xúc nhưng không được xử lý dứt điểm vì công cụ pháp lý, hành lang pháp lý khó áp dụng thực hiện”, ông Nguyễn Minh Nhựt cảnh báo.
Biện pháp cưỡng chế không phù hợp
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TPHCM đánh giá, việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm vẫn rất bất cập. Biện pháp cưỡng chế hiện nay là khấu trừ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế này chỉ phù hợp với việc nộp phạt, chứ không phù hợp cho việc buộc ngừng hoạt động.
Trên thực tiễn, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, để buộc doanh nghiệp ngừng hoạt động ở những công đoạn gây ô nhiễm thì biện pháp ngưng cung cấp điện là hữu hiệu, khả thi và ít tốt kém nhất, song Nghị định 155 của Chính phủ đã không còn quy định biện pháp này.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM đánh giá, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng đưa đến phát sinh là dễ hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
“Khi có vi phạm, cơ sở liền thay đổi pháp nhân. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giờ đây cũng không cần ý kiến của địa phương về sự phù hợp ngành nghề, địa điểm xây dựng hay khoảng cách an toàn cho môi trường. Các cơ sở tiếp tục hình thành trong khu dân cư, gây ô nhiễm, và các cơ quan, sở ngành, địa phương lại phải tiếp tục xử lý, di dời”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ chỉ ra bất cập trong việc kiểm soát các cơ sở mới phát sinh.
Các cơ sở vi phạm ngày càng tinh vi, có hành vi đối phó như hoạt động vào ban đêm, không chấp hành quyết định xử phạt, tự ý xé niêm phong, lợi dụng kẽ hở thay đổi tên doanh nghiệp, thuê địa điểm khác để tiếp tục gây ô nhiễm...
Trong khi đó, các địa phương còn lúng túng trong cưỡng chế thi hành xử phạt, cưỡng chế đình chỉ hoạt động, và chưa có chế tài răn đe với hành vi xé niêm phong. Mặt khác, mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp được vay ưu đãi vẫn chưa nhiều.
Ông Nguyễn Minh Nhựt đề nghị, TP cần có giải pháp đồng bộ và kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật về đình chỉ hoạt động, cưỡng chế di dời sao cho đủ sức răn đe. Đồng thời, tăng cường giám sát và vận động người dân tham gia giám sát, khoanh vùng nhằm sớm phát hiện cơ sở gây ô nhiễm.
Nhằm tránh di dời ô nhiễm từ chỗ này sang chỗ khác, tránh phát sinh cơ sở ô nhiễm mới, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông đề nghị, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, cần tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng liên quan.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM Trần Anh Tuấn tán đồng đề nghị này và cho biết, sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, quận huyện để nhận diện sớm, giám sát chặt các cơ sở đăng ký kinh doanh trong 152 ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị TP công khai rõ danh sách cơ sở gây ô nhiễm và tùy mức độ vi phạm để tính tới biện pháp rút giấy đăng ký kinh doanh, hoặc có các biện pháp tiếp theo.
Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Cần có cơ chế đặc thù để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm Với các cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, quận 12 tiêp tục kiên trì vận động chủ doanh nghiệp chấp hành quyết định của UBND TPHCM về các biện pháp khắc phục, di dời. Đồng thời, quận phối hợp tăng cường kiểm tra, vừa thường xuyên, vừa đột xuất, và mở rộng kiểm tra cả lĩnh vực bảo vệ môi trường lẫn các lĩnh vực khác như kinh doanh hàng hóa, nhãn mác, thuế, PCCC… Bên cạnh đó, quận tiếp tục phối hợp cắm biển hạ tải và tổ chức chốt chặn, xử lý việc vận chuyển quá tải. Lãnh đạo quận cũng chuẩn bị có buổi gặp gỡ trực tiếp với 4 cơ sở này và gặp người dân trên địa bàn; trước mặt người dân, chủ doanh nghiệp cần lắng nghe ý kiến người dân và có cam kết cụ thể tiến độ khắc phục các hành vi gây ô nhiễm, tiến độ di dời cơ sở. Đồng thời, quận kiến nghị TP kiến nghị Trung ương bổ sung biện pháp cưỡng chế phù hợp trong Nghị định 155. TPHCM đang thí điểm thực hiện Nghị quyết 54, quận đề nghị TP kiến nghị có cơ chế đặc thù cho TP trong việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, cần có các giải pháp cụ thể để tổ chức cưỡng chế, thực hiện triệt để việc xử lý các cơ sở này. Cùng với đó, cần có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách an toàn giữa các cơ sở sản xuất với khu dân cư, với trường học là bao xa, để địa phương vận dụng, quản lý và xử lý hiệu quả hơn. Ông ĐOÀN VĂN VUI, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM Tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý Hiện nay, mức phạt tiền các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường là tương đối cao, đủ sức răn đe. Nhưng trên thực tế, việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính lại chưa nghiêm. Các quy định còn sơ hở, chồng chéo, thiếu nhất quán gây khó khăn cơ quan quản lý. Do đó, TP cần tiếp tục kiến nghị hoàn thiện, đảm bảo tính minh bạch, tăng tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Với các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính để di dời, hoặc thay đổi thiết bị công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các cấp chính quyền TP cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sớm di dời, hoặc chuyển đổi, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, TP cần kiên quyết nếu các cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường, không có công trình xử lý nước thải, khí thải, thì không được hoạt động; kiên quyết ngưng sản xuất kinh doanh, cưỡng chế, buộc di dời các cơ sở vi phạm nhiều lần. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý và phối hợp xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật. |