Xử lý công trình vi phạm của ca sĩ Mỹ Linh ở Sóc Sơn - chờ cấp trên!

Sau khi UBND huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương có kế hoạch cưỡng chế đối với 18 trường hợp vi phạm về đất rừng phòng hộ trên địa bàn xã, tới nay có 7 hộ dân ở thôn Lâm Trường đã chủ động tháo dỡ một số công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng.

Ngày 28-11, liên quan tới việc xử lý công trình vi phạm về đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, trao đổi với phóng viên báo SGGP, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch xã Minh Phú cho biết: Đối với 11 trường hợp còn lại, hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục vận các hộ chủ động tháo dỡ. "Nếu các hộ không thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm, tới cuối tháng 12, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế..."- ông Tâm cho biết thêm.

Đáng chú ý, đối với công trình vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, ông Tâm cho biết, vấn đề này vượt quá thẩm quyền xử lý của chính quyền xã và tới nay cũng chưa có chỉ đạo của cấp trên về việc xử lý sai phạm đối với công trình này. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Minh Phú cũng cho biết, hiện nay, gia đình của nữ ca sĩ này đang sử dụng khoảng 12.000m² đất ở thôn Lâm Trường, trong đó có khoảng 600m² được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về trách nhiệm của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đối với những sai phạm về đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở  NN&PTNT cho biết: Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Nội mới thành lập năm 2014. Trước đó, năm 2013, thành phố Hà Nội mới quyết định thành lập Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Đầu tư & phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn, đây cũng là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý rừng.

Đối với  các vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn, ông Chu Phú Mỹ cho rằng cần đợi kết luận của Thanh tra TP Hà Nội vì có nhiều vi phạm là tồn tại cũ.  Khi có kết luận của Thanh tra TP Hà Nội thì Sở NN&PTNN Hà Nội sẽ  làm rõ trách nhiệm của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội. Trước mắt, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, các hộ vi phạm đến đâu thì cán bộ trung tâm đã lập biên bản và đề xuất cưỡng chế. Tuy nhiên do nguồn đất rất phức tạp nên huyện Sóc Sơn cũng chưa tổ chức cưỡng chế được. Vừa qua, các đơn vị của Sở NN& PTTN đã chuyển hết hồ sơ các công trình vi phạm để huyện Sóc Sơn nghiên cứu, xem xét cưỡng chế.

Xử lý công trình vi phạm của ca sĩ Mỹ Linh ở Sóc Sơn - chờ cấp trên! ảnh 1 Việc xử lý các công trình vi phạm trên đất rừng ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú vẫn chưa dứt điểm 

Ông Mỹ cũng cho biết, lãnh đạo Sở NN& PTNT Hà Nội đã làm việc với Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn, quan điểm giữa hai bên đều thống nhất cao là giao trung tâm chuẩn bị hồ sơ vi phạm chuyển sang để huyện nghiên cứu và tổ chức xem xét xử lý theo quy định. "Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra, còn cưỡng chế thì phải là trách nhiệm của địa phương..."- ông Mỹ cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc cấp sổ đỏ đất rừng là đúng hay sai, lãnh đạo Sở NN & PTNT Hà Nội cho biết, trước đây là đất thuộc lâm trường và có trường hợp dân đến khai thác vùng kinh tế mới, dân ở trước, rừng có sau và sau đó có quy hoạch rừng thì các hộ này nằm trong rừng. "Người dân được giao đất trồng rừng chứ không phải đất ở. Những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai" - ông Mỹ nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục